Ai là người đầu tiên quay cảnh máy bay đâm vào WTC?
Các đài truyền hình Mỹ không cạnh tranh, sẵn sàng cho phép các đài khác sử dụng hình ảnh về cuộc khủng bố. Chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) lúc 8 giờ 48, giờ New York. Không có phóng viên nào có mặt tại hiện trường.
Nhưng chỉ một phút sau, 8 giờ 49 phút, đài truyền hình Mỹ CNN đã bắt đầu truyền đi những hình ảnh đầu tiên. Để có được sự nhanh nhạy này là nhờ những camera thu hình đặt cố định truyền tín hiệu từ xa về cho ban biên tập của đài. Cũng như các đối tác cạnh tranh của mình, CNN triển khai cài đặt ẩn hàng chục camera trên lãnh thổ nước Mỹ hướng về những vị trí biểu tượng hay chiến lược như Nhà Trắng ở Washington, thị trường chứng khoán New York, hoặc ngay đường chân trời khu Manhattan. Và chính camera ở khu Manhattan này, đặt cách WTC 3 km, đã tăng cường hoạt động ngay khi hãng thông tấn loan tin đầu tiên về thảm họa 11-9.
Một thiết bị giống như vậy đặt ở khu Bắc Manhattan cũng cho phép đài CBS, một lúc sau, tiếp sóng từ một đài địa phương trực thuộc CBS nằm gần tòa tháp đang cháy. Hình ảnh về vụ khủng bố làm gián đoạn một chương trình trực tiếp “Early Show” của đài này. Tại đài truyền hình ABC News, những hình ảnh đầu tiên do một đài thành viên của ABC là WABC quay phim được từ trên trực thăng lâu nay vẫn dùng để giám sát giao thông đường bộ khu vực thành phố New York. Tuy nhiên, trực thăng nhanh chóng buộc phải hạ cánh khi có lệnh đình chỉ bay trên không phận. Và cách tòa nhà WTC khoảng 1 km, từ căn hộ của mình, một phóng viên của ABC, Don Dahler, đã ghi hình ngay khi anh biết được sự cố đầu tiên. Anh gọi ngay tới ban biên tập của đài, cắt chương trình “Chào buổi sáng” để tường thuật những gì anh chứng kiến.
8 giờ 50, một nhà quay phim độc lập, đang chạy xe cách WTC vài trăm mét, hay tin qua CBS News, chạy đến ngay hiện trường và quay được cảnh chiếc Boeing thứ hai đâm vào tòa nhà phía Nam vào lúc 9 giờ 06 phút. Vài phút sau, hai phóng viên khác của CBS tới, và quay được cảnh tượng tháp đôi WTC sụp đổ. Ăng-ten truyền hình đặt trên tòa nhà 110 tầng phía Bắc đã bị hỏng, một ăng-ten khác đặt ở cao ốc Empire State Building hoạt động. Khi chiếc máy bay thứ hai chuyển hướng đâm vào tòa nhà, nhóm quay phim đài truyền hình quốc gia ABC ở trên đỉnh một tòa nhà đối diện đã sẵn sàng ghi hình ngay. Không lâu sau CNN và ABC truyền đi hình ảnh mới, các nhà quay phim nghiệp dư cũng quay được rõ ràng cảnh máy bay tấn công tòa nhà.
Sự kiện trên gây kinh hoàng cho giới lãnh đạo truyền hình. Phản ứng đầu tiên của họ là không còn cạnh tranh gì nữa. Họ ngầm quyết định với nhau là trao đổi miễn phí thông tin và hình ảnh vì tầm quan trọng của sự cố này. Tác quyền không còn phân định rạch ròi. Người phát ngôn của CNN khẳng định: “CNN sẵn sàng cho phép các đài khác sử dụng hình ảnh và bài tường thuật của mình”. Đáp lại, chủ tịch CBS News, Andrew Heyward, gọi điện cho lãnh đạo các đài NBC, Fox, ABC và CNN cho phép sử dụng tất cả hình ảnh của đơn vị mình, kể cả hình của các nhà quay phim nghiệp dư. Mặt khác, các đài truyền hình hủy bỏ nhiều chương trình quảng cáo. Ngay lúc xảy ra cuộc khủng bố thứ hai, trước cả sự cố ở Lầu Năm Góc, ban biên tập các đài ra lệnh động viên toàn bộ. Tood Polker của đài ABC kể lại “tất cả nhân viên của ABC trang bị máy quay, kể cả máy quay vidéo cá nhân nhận lệnh tới hiện trường để tường thuật sự kiện”. Lãnh đạo đài CNN cũng huy động toàn bộ lực lượng. Tất cả những chương trình về châu Âu, Trung Cận Đông, hoặc châu Á đều bị gác lại nhường chỗ cho tín hiệu đài CNN truyền đi khắp thế giới. Các kênh truyền hình cáp, truyền hình ca nhạc MTV và CH1 thuộc CBS và các đài truyền thanh của ABC cũng hủy chương trình thường lệ để thông tin về sự cố bi thảm này.