Ấn Độ kiểm tra vũ khí nhập từ Mỹ

(NLĐO) – Ấn Độ đang điều tra liệu vũ khí nhập khẩu từ Mỹ có linh kiện giả của Trung Quốc hay không.

Báo The Times of India cho biết nguyên nhân quân đội Ấn Độ triển khai kiểm tra toàn diện xuất phát từ một báo cáo của Ủy ban Lực lượng vũ trang - Thượng viện Mỹ. Báo cáo này cho biết vũ khí do Mỹ chế tạo đã sử dụng rất nhiều linh kiện điện tử giả, chất lượng kém của Trung Quốc.
 
Theo báo cáo này, trong số hàng triệu linh kiện giả có đến 70% xuất xứ từ Trung Quốc với khoảng 20% đến từ các điểm bán trung gian hàng hóa Trung Quốc ở Anh và Canada.
  
img
Washington sẽ chuyển giao cho New Delhi 10 máy bay vận tải chiến lược Globemaster-III C 17
trong vòng bốn năm, bắt đầu từ 2013 (Ảnh: COURTESY BOEING)

Bản báo cáo liệt kê những thiết bị quân sự Mỹ chứa linh kiện giả như trực thăng SH-60, tên lửa Hellfire, máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster, máy bay tuần tra trên biển đa chức năng tầm xa P-8A Poseidon…
 
Hiện nay, vũ khí Ấn Độ mua của Mỹ bao gồm tàu vận tải đổ bộ INS Jalashwa, máy bay trực thăng UH-3H, tên lửa chống hạm Harpoon, kính tiềm vọng hiện đại, máy bay vận tải C-130...
 
Những năm gần đây, quan hệ Mỹ -Ấn đã có những chuyển biến to lớn. Theo đó, Mỹ cởi mở xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quân sự cho Ấn Độ. Năm 2011, kim ngạch thương mại vũ khí giữa 2 bên đạt 4,5 tỉ USD, đưa Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vũ khí lớn thứ hai của Mỹ. 10 năm qua, hai bên tổng cộng đạt được thương mại vũ khí 8 tỉ USD.
 
Do đó, khí tài của Mỹ “có vấn đề”, không tránh khỏi việc gây thiệt hại cho sức mạnh quốc phòng của Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ còn lo ngại đối thủ cạnh tranh tiềm tàng Trung Quốc sẽ thiết lập “cửa sau” cho những linh kiện này. Khi cần thiết có thể làm tê liệt những “cửa sau” này, thậm chí kiểm soát hệ thống vũ khí quan trọng của quân đội Ấn Độ.