“Anh Năm” Khieu Samphan
Trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao Khmer Đỏ, Khieu Samphan đứng hàng thứ năm. Khi Khmer Đỏ lên cầm quyền, thành lập Chính phủ Campuchia Dân chủ (1975-1979), ông ta giữ chức chủ tịch chủ tịch đoàn nhà nước Campuchia Dân chủ. Dù tự nhận mình chỉ giữ một chức vụ “hữu danh vô thực”, Khieu Samphan không thể rũ bỏ trách nhiệm trong việc đày đọa người dân Campuchia khiến khoảng 1,7 triệu người chết oan dưới thời Khmer Đỏ
Trong số những người Campuchia du học ở Pháp thập niên 1950, Khieu Samphan được xem là một trong những trí thức thiên tả xuất sắc của Campuchia. Khieu Samphan đậu bằng tiến sĩ kinh tế Trường Đại học Paris danh giá năm 1959 với luận án “Phát triển kinh tế và công nghiệp Campuchia” đề cao tinh thần tự chủ tự cường, chủ trương chấm dứt sự lệ thuộc về kinh tế vào các nước phát triển.
Luận án nói trên của Khieu Samphan và luận án tiến sĩ của Hou Yun - một trí thức khác của Campuchia - có tựa đề “Nông dân Campuchia và triển vọng hiện đại hóa” chính là cơ sở để Khmer Đỏ vận dụng biến nước Campuchia Dân chủ do Khieu Samphan lãnh đạo (tuy trên thực tế, Pol Pot mới là người điều hành đất nước) thành một nước tự cô lập với thế giới bên ngoài; đóng cửa tất cả trường học, bệnh viện và xí nghiệp; xóa bỏ tiền tệ, ngân hàng, tài chính; đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi tôn giáo; tịch thu tất cả tài sản cá nhân; lùa dân vào các nông trại tập thể bắt lao động như tù khổ sai. Kết quả: khoảng 1,7 triệu người chết vì kiệt sức, thiếu ăn, bệnh tật hoặc bị hành quyết.
Lên voi
Khieu Samphan sinh ngày 27-7-1931 tại tỉnh Svay Rieng, là con cả trong một gia đình người Khmer gốc Hoa. Cha y là một quan tòa địa phương. Thuở nhỏ, y nổi tiếng học giỏi cho nên dễ dàng nhận được học bổng du học tại Pháp. Có tài liệu nói y có quan hệ họ hàng với Khieu Ponnary, vợ của Pol Pot và Khieu Thirith, vợ của Ieng Sary.
![]() |
Khieu Samphan |
Trở về nước năm 1959, tiến sĩ Khieu Samphan giảng dạy ở trường luật đồng thời lập tờ báo L’Observateur (Người quan sát) thiên tả. Nhờ tờ báo này mà tên tuổi của Khieu Samphan được nhiều người biết đến, nhất là giới sinh viên. Một năm sau, tờ báo bị đóng cửa. Khieu Samphan bị chính quyền Norodom Sihanouk bắt giữ và làm nhục bằng cách buộc cởi quần áo trước công chúng.
Nhưng cũng chính nhà vua Sihanouk, sau khi bị Lon Nol lật đổ năm 1970, cộng tác với Khmer Đỏ lập Chính phủ Hoàng gia Đoàn kết Quốc gia Campuchia (gọi tắt theo tiếng Pháp là GRUNK) để chống lại chính quyền Lon Nol. Khieu Samphan được bổ nhiệm làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng và tổng tư lệnh quân đội GRUNK. Sự kiện này giúp Khieu Samphan leo cao trong hàng ngũ lãnh đạo Khmer Đỏ.
Cũng trong thời gian này, Khmer Đỏ được nông dân – vốn rất tôn sùng nhà vua Sihanouk – ủng hộ mạnh cho nên kiểm soát được phần lớn đất nước Campuchia, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ quyết định cắt viện trợ cho chính quyền Lon Nol năm 1973. Ngày 17-4-1975, Khmer Đỏ chiếm được Phnom Penh, thành lập Chính phủ Campuchia Dân chủ.
Thành tích chủ yếu của chính phủ nói trên là bắt giữ, tra tấn và thủ tiêu bất cứ ai thuộc các thành phần “đối địch” như sau:
- Có quan hệ với chính quyền cũ hoặc với chính phủ nước ngoài.
- Trí thức và nói chung là người có học thức, thậm chí những người mang kính trắng.
- Việt kiều, Hoa kiều, tín đồ Công giáo, Hồi giáo và sư sãi.
- Đồng tính.
- Phá hoại kinh tế.
Những ngày tàn
Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, lực lượng Khmer Đỏ kéo tàn quân về phía Tây Campuchia, kiểm soát vùng giáp ranh Thái Lan, tồn tại nhờ buôn lậu đá quý và gỗ. Về chính trị, Khmer Đỏ vẫn giữ được ghế đại diện “Campuchia Dân chủ” tại Liên Hiệp Quốc cho đến năm 1982.
Năm 1985, Khieu Samphan thay thế Pol Pot lãnh đạo Khmer Đỏ. Năm 1991, các lực lượng chính trị ở Campuchia ký một thỏa ước kêu gọi tổng tuyển cử và giải giáp. Hai năm sau, Khmer Đỏ trở mặt tiếp tục gây chiến. Năm 1996, lính Khmer Đỏ rã ngũ hàng loạt. Nội bộ thanh trừng lẫn nhau. Năm 1997, Pol Pot bị Khmer Đỏ bắt cầm tù. Tháng 4-1998, Pol Pot chết. Tám tháng sau, Khieu Samphan đầu hàng. Ngày 26-12, các lãnh tụ Khmer Đỏ xin lỗi toàn dân về tội diệt chủng trong thập niên 1970. Năm 1999, hầu hết các chức sắc Khmer Đỏ, trong đó có “anh tư” Ta Mok, đều đầu hàng hoặc bị bắt. Khmer Đỏ chính thức bị xóa sổ.
Vẫn ca tụng Pol Pot
Những tưởng sẽ sống yên ổn những ngày cuối đời, nhưng ngày 19-11 vừa qua, Khieu Samphan lại bị bắt theo trát tòa án. Trước đó, ngày 14-11, Khieu Samphan nhập viện vì một cơn đột quỵ sau khi hay tin vợ chồng Ieng Sary bị bắt. Y là chức sắc cao cấp thứ năm còn sống bị bắt vì liên quan đến tội diệt chủng.
Khieu Samphan trước sau đều chối bỏ mọi trách nhiệm. Trong một cuốn sách xuất bản hồi đầu tháng này, y bảo vệ chính sách tàn bạo của Khmer Đỏ mặc dù y thú nhận là có “vài vụ giết chóc”. Y nói chỉ biết sự thật sau khi xem tài liệu năm 2003 nói về nhà tù S-21 (Toul Sleng). Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin AP, y nói: “Rồi cũng phải xử thôi, không có con đường nào khác. Nhưng tôi muốn công chúng hiểu rằng tôi không liên quan gì đến bất cứ vụ giết người nào”.
Trong cuốn sách của mình, Khieu Samphan quả quyết Khmer Đỏ “chỉ muốn tốt cho Campuchia”, không hề chủ trương bỏ đói dân và giết người hàng loạt. Y còn ca tụng Pol Pot là “một người yêu nước quan tâm đến công bằng xã hội và đấu tranh chống ngoại xâm”.
Khieu Samphan đã thuê Say Borey, nguyên chủ tịch Hội Luật sư Campuchia, hiện nay là cố vấn tư pháp cho cựu vương Sihanouk và luật sư Pháp Jacques Verges, biện hộ cho y. Khieu Samphan quen biết Verges từ thời đi học ở Paris khi cả hai hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên chống chiến tranh thực dân Pháp ở Việt Nam.
Verges là một luật sư nổi tiếng từng bào chữa cho Carlos “Chó rừng”, tên khủng bố Venezuela khét tiếng, tội phạm chiến tranh phát-xít Đức Klaus Barbie và cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic.