ASEAN muốn có hiệp ước ngăn xung đột biển Đông

(NLĐO) – Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 diễn ra tại Campuchia ngày 18-11, các nước Đông Nam Á quyết định sẽ đề nghị Trung Quốc đàm phán chính thức "trong thời gian sớm nhất" để xây dựng một hiệp ước có ràng buộc về pháp lý để ngăn chặn nguy cơ bạo lực trên biển Đông.

Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN đã đề nghị như trên và sẵn sàng đàm phán với tư cách toàn khối với Trung Quốc. Đối thoại có thể khởi động ngay lập tức, thậm chí là ngay sau hội nghị cấp cao này, ông Surin nhấn mạnh.
 
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao ASEAN-21. Ảnh: TTXVN
 
Theo TTXVN, trong phiên họp hẹp ngay sau phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông, cũng như sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
 
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, với tư cách là người chủ trì hội nghị cấp cao năm nay, sẽ chuyển đề nghị của ASEAN tới Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, người vừa tới Campuchia trong hôm 18-11 để tham dự các hội nghị ASEAN mở rộng trong hai ngày tới.
 
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào. Các nhà ngoại giao ASEAN cho biết những tín hiệu họ nhận được từ phía quan chức Trung Quốc là “chưa rõ ràng”.
 
Vào ngày 20-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bay đến Campuchia để dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á – diễn đàn thường niên bàn về an ninh và kinh tế giữa ASEAN và 8 quốc gia đối tác, bao gồm Trung Quốc và Mỹ. Washington thường xuyên lên tiếng kêu gọi đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.
 
Bế mạc hội nghị cấp cao ASEAN 21
 
Hội nghị cấp cao ASEAN 21 bế mạc tối 18-11 với Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực - và thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”, chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR)…
 
Trong hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra các hội nghị của ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ; hội nghị ASEAN+3 và hội nghị Đông Á (EAS).