Báo động về bạo lực giới tính ở Bắc Âu

Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố bản báo cáo gây sốc: Cưỡng hiếp và các hình thức bạo lực giới tính khác vẫn còn là một thực tế đáng báo động ở khu vực này

Các quốc gia Bắc Âu (gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) vẫn được công nhận là những nước đi đầu về bình đẳng giới nay đã thất bại trong việc đấu tranh với nạn bạo lực giới tính. Đáng lưu ý, Phần Lan được xem là quốc gia tệ hại nhất về thực trạng này. Đó là thông tin trong bản báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) mới công bố nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ.

img

Tổ chức Ân xá Quốc tế xếp Phần Lan cuối danh sách các nước Bắc Âu về vấn đề bảo vệ phụ nữ trước nạn cưỡng hiếp. Ảnh: FLICKR


Công lý chưa được thực thi


Widney Brown, giám đốc cao cấp về chính sách và luật pháp quốc tế của AI, khẳng định: “Ở các quốc gia giàu cũng như nghèo, những phụ nữ bị cưỡng hiếp hoặc bị lạm dụng có ít cơ hội nhìn thấy kẻ tấn công họ được đưa ra trước công lý. Điều gây sốc ở đây là, ở thế kỷ 21, với rất nhiều luật bảo đảm sự bình đẳng của phụ nữ, vậy mà chính phủ lại không thể bảo vệ được phụ nữ hoặc bảo đảm rằng những kẻ lạm dụng họ bị bắt giữ để đền tội”.


Bản báo cáo nêu trên cho thấy các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và bạo hành gia đình phải đối mặt với nhiều trở ngại khi tìm kiếm công lý. Đó là những phản ứng không thỏa đáng, tiêu cực hoặc tùy tiện của nhân viên cảnh sát, y tế và tòa án. Ngoài ra, nhiều phụ nữ còn cảm thấy xấu hổ hoặc tự đổ lỗi cho bản thân và thậm chí không báo những tội ác như thế cho cảnh sát.


Tổ chức nhân quyền nói trên nhấn mạnh: Các xã hội Bắc Âu đã đạt tiến bộ về vấn đề bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cưỡng hiếp và các hình thức bạo lực giới tính khác vẫn còn là một thực tế đáng báo động ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ mỗi năm ở tất cả các quốc gia tại khu vực này.

Phần Lan đứng ở cuối danh sách khi đề cập vấn đề bảo vệ quyền của các nạn nhân. Bản báo cáo quả quyết: “So với các quốc gia Bắc Âu khác, rõ ràng là Phần Lan chậm chạp hơn trong việc cải cách pháp luật về nạn cưỡng hiếp và bạo lực nhằm vào nữ giới”.


Xem nhẹ
tội cưỡng hiếp


Trong khi đó, theo hãng tin AFP, khắp khu vực nêu trên, chỉ có rất ít vụ hãm hiếp được tố cáo. Thậm chí khi được trình báo thì rất ít vụ được đưa ra tòa và tỉ lệ tha bổng lại rất cao. Ở Phần Lan, tình trạng trên hết sức tệ hại. Chỉ khoảng 2%-10% vụ cưỡng hiếp được tố giác trong khi ở Đan Mạch là 25%.


Cũng theo AI, luật pháp ở Phần Lan chỉ định nghĩa ép buộc quan hệ tình dục là tội phạm. Đồng thời, tội này chỉ bị truy tố căn cứ vào yêu cầu rõ ràng của nạn nhân và thường bị xử phạt bằng cách nộp tiền phạt hoặc vài tháng tù giam.


Ngoài ra, ở Phần Lan và Đan Mạch, quan hệ tình dục với người không chống cự, do say rượu chẳng hạn, không bị xem là cưỡng hiếp. Theo AI, điều này cho thấy rằng hãm hiếp một người không thể tự do đồng tình là một tội ác ít nghiêm trọng hơn so với hành vi cưỡng đoạt một người có khả năng chống cự. Như vậy, định nghĩa về cưỡng hiếp ở đây dựa trên cơ sở những khuôn mẫu phân biệt đối xử về giới.


Do đó, bản báo cáo của AI kêu gọi tất cả các quốc gia Bắc Âu cải thiện việc bảo vệ nạn nhân của tội phạm tình dục. Theo đó, các nước này cần bảo đảm tất cả mọi thủ tục pháp lý trong các vụ án liên quan đến tội cưỡng hiếp hoặc bạo lực giới tính đều vô tư và công bằng cũng như không bị ảnh hưởng bởi các định kiến hoặc quan niệm rập khuôn về giới tính nam và nữ.