Bay vòng quanh thế giới không... tốn xăng

Năng lượng mặt trời được dự báo sẽ trở thành nguồn điện chủ yếu trên thế giới vào năm 2050

Máy bay sử dụng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 hôm 9- 3 đã bắt đầu hành trình bay vòng quanh thế giới lần đầu tiên.

Chiếc máy bay Solar Impulse 2 bắt đầu hành trình hôm 9-3
Ảnh: EPA
Chiếc máy bay Solar Impulse 2 bắt đầu hành trình hôm 9-3 Ảnh: EPA

Chiếc máy bay - do 2 phi công Thụy Sĩ Andre Borschberg và Bertrand Piccard điều khiển - đã cất cánh từ Abu Dhabi, thủ đô Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), lúc 7 giờ 12 phút (giờ địa phương). Trong vòng 5 tháng tới, chiếc máy bay này dự kiến bay qua các châu lục và đại dương rộng lớn, trong đó có Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trong chuyến đi ước tính dài 35.000 km này, Solar Impulse 2 sẽ dừng chân tại 12 địa điểm để được bảo trì.

Solar Impulse 2 nặng 2,3 tấn, có sải cánh dài 72 m và mang theo 17.000 tấm pin thu năng lượng mặt trời truyền đến 4 động cơ cánh quạt của máy bay. Năng lượng này sẽ được dự trữ để duy trì cho thời gian bay vào ban đêm. Thêm một ưu điểm là Solar Impulse 2 rất thân thiện với môi trường - hầu như không thải ra khí CO2 trong hành trình dài 1.000 km, trong khi chiếc Boeing 747 thải ra đến 101 kg khí CO2.

Mục đích của chuyến đi nêu trên là truyền bá thông điệp về công nghệ năng lượng sạch. Trước khi máy bay cất cánh, phi công Borschberg bày tỏ với đài BBC: “Tôi tự tin chúng ta có một chiếc máy bay rất đặc biệt. Nó có thể đưa chúng tôi đi qua các đại dương rộng lớn. Dù vậy, để làm được điều này, máy bay sẽ phải bay liên tục trong 5 ngày đêm và đây là một thách thức không nhỏ”.

Chính vì tốc độ bay chậm hơn Boeing 747 nên Solar Impulse 2 sẽ mất nhiều ngày đêm bay không ngừng nghỉ trước khi đến được mỗi trạm dừng. Điều này đồng nghĩa 2 phi công Piccard và Borschberg phải trải qua hầu hết thời gian ở trên không. Ngoài áp lực chỉ được phép nghỉ ngơi tối đa 20 phút/ lần và chỉ 12 lần nghỉ trong suốt chặng đường kéo dài 24 giờ, 2 phi công còn phải chịu đựng sự khó chịu về thể chất khi bị giới hạn trong một buồng lái chỉ rộng 3,8 m2. Trước chuyến đi này, cả 2 phi công đã phải trải qua một đợt huấn luyện phức tạp hồi năm ngoái với một loạt chuyến bay thử nghiệm.

Ông Roger Harrabin, một nhà phân tích môi trường, nhận định chuyến đi kể trên báo hiệu một cuộc cách mạng về năng lượng mặt trời. Ông dự báo loại năng lượng này sẽ trở thành nguồn điện chủ yếu trên thế giới vào năm 2050. Ngoài ra, theo đài BBC, sự bùng nổ năng lượng mặt trời sẽ giúp ích đáng kể cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.