Bi quan trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên 2015 diễn ra ở Davos - Thụy Sĩ từ ngày 21 đến 24-1 với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu đến từ 140 nước, trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia.
Chủ đề chính của WEF năm nay là “Bối cảnh mới toàn cầu”, nêu bật một loạt thách thức mà thế giới đang đối mặt: môi trường và sự khan hiếm tài nguyên; tay nghề lao động và nguồn vốn con người; sự bình đẳng giới; an ninh lương thực và nông nghiệp; thương mại và đầu tư quốc tế; tương lai của internet; tội phạm toàn cầu và tham nhũng; kinh tế; giá dầu.
Trong khoảng 280 phiên hội nghị tại diễn đàn, các đại biểu sẽ thảo luận các đề tài lớn, gồm: khủng hoảng và hợp tác; tăng trưởng và ổn định; đổi mới và công nghiệp; xã hội và an ninh.

Phát biểu với kênh truyền hình CNBC tại Davos, Tổng Giám đốc Tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam Winnie Byanyima thừa nhận điều nguy hiểm hiện nay trên thế giới là khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng, đe dọa cả nền dân chủ và các xã hội ổn định lẫn sự tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Oxfam dự báo đến năm 2016, tổng tài sản của 1% người giàu nhất thế giới có thể vượt qua tổng tài sản của 99% người còn lại.
Diễn đàn Davos diễn ra trong bối cảnh giá dầu tiếp tục giảm sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế giảm mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Là nước sản xuất dầu then chốt, Iran hôm 20-1 lo ngại giá dầu có thể tụt xuống còn 25 USD/thùng nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) không hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, cựu cố vấn Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi, ông Mohammad al-Sabban, tuyên bố nước này có thể chịu đựng được giá dầu thấp trong thời gian dài - từ 8 năm trở lên - nhờ nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào và kế hoạch cắt giảm ngân sách.