Bộ mặt chủ nghĩa khủng bố
Khủng bố là gì? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, chính trị gia và nhà báo đều có những định nghĩa khác nhau
109 định nghĩa
Trong quyển Political Terrorism (Chủ nghĩa khủng bố chính trị), hai tác giả Alex P. Schmidt và Albert I. Jongman đã trích dẫn đến 109 định nghĩa khác nhau về khủng bố và từ đó họ đã thống kê tỉ lệ những thành tố chính xuất hiện trong các định nghĩa: bạo lực (hiện diện trong 83,5% các định nghĩa); liên quan đến chính trị (65%); gây kinh hoàng (51%); đe dọa (47%); tạo hiệu quả tâm lý (41,5%); không quan tâm đến mục tiêu và nạn nhân (37,5%); có tổ chức và hệ thống (32%); phương pháp gây khủng bố (30,5%).
Việc định nghĩa khủng bố không chỉ là vấn đề mang tính lý thuyết bởi khủng bố không còn là chuyện riêng của một quốc gia hay khu vực mà nó mang tính toàn cầu. Các nhóm khủng bố có thể tổ chức tấn công tại nhiều nước và nạn nhân có thể thuộc nhiều quốc tịch. Nếu không thể trả lời câu hỏi: “Khủng bố là gì?”, người ta sẽ không thể quy trách nhiệm cho những nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố cũng như khó lòng thiết lập được kế sách chống lại hoạt động khủng bố. Không có một định nghĩa rõ ràng về khủng bố, người ta không thể xây dựng được các điều luật chống khủng bố (chẳng hạn vấn đề dẫn độ hay xử án). |
Chuyên gia nghiên cứu khủng bố Boaz Ganor - Giám đốc Viện Chính sách quốc tế về chống khủng bố của Israel, người có ít nhất 10 quyển sách viết về khủng bố - đã đưa ra một định nghĩa về khủng bố mà nhiều nhà nghiên cứu khác đồng tình: “Khủng bố là sự sử dụng có chủ ý hay đe dọa sử dụng bạo lực chống lại thường dân hay các mục tiêu thường dân nhằm đạt được mục đích chính trị”. Định nghĩa của Ganor dựa vào 3 yếu tố quan trọng: 1/ Sự tồn tại của biện pháp dùng bạo lực; 2/ Sự hiện diện của mục đích mang tính chính trị (điều này giúp phân biệt giữa khủng bố và tội phạm hay hành động giết người bởi kẻ tâm thần. Khái niệm chính trị ở đây bao hàm cả tôn giáo); 3/ Sự hiện diện của yếu tố gây phương hại đến thường dân (điều này giúp phân biệt giữa khủng bố và các phong trào cách mạng hay chiến tranh du kích).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc cơ bản cho các cuộc xung đột thế giới thời sau chiến tranh lạnh không phải là ý thức hệ hay kinh tế mà chính là nền văn minh. Ranh giới khác biệt giữa các nền văn minh là ranh giới chiến tuyến trong các cuộc giao tranh. Xung đột không còn là cuộc chiến giữa các vị vua hay cuộc đối đầu trong thế giới lưỡng cực như thời chiến tranh lạnh mà bước sang giai đoạn mới trong đó cọ xát bắt đầu từ mâu thuẫn giữa các nền văn minh phương Tây và không phương Tây (non-Western civilizations). Trong khi đó, đặc thù văn hóa dân tộc và văn minh ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Thế giới trong ngôi làng toàn cầu sẽ được định dạng bằng sự tương tác giữa các nền văn minh chính trong đó có phương Tây, Khổng giáo, Hồi giáo, Hindu, Chính thống giáo Slavic, Mỹ Latinh... Tại sao sự va chạm giữa các nền văn minh là nguồn gốc của chiến tranh? Một số lý do được nêu như sau:
Thứ nhất, sự khác biệt giữa các nền văn minh không chỉ tồn tại như một sự thật mà còn rất cơ bản. Các nền văn minh được phân định bằng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và quan trọng nhất là tôn giáo. Dân tộc thuộc các nền văn minh khác nhau có quan điểm khác nhau về tương quan giữa thượng đế và con người, tương quan giữa cá thể và tập thể, giữa công dân và nhà nước, giữa cha mẹ và con cái, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tự do và quyền lực... Sự khác biệt chưa hẳn dẫn đến mâu thuẫn và mâu thuẫn chưa chắc đồng nghĩa với bạo lực. Tuy nhiên, trong chiều dài lịch sử văn minh nhân loại, khác biệt giữa các nền văn minh thường là nguyên nhân tạo ra các cuộc xung đột kéo dài và dữ dội nhất. Thứ hai, thế giới đang ngày càng nhỏ hơn. Sự tương tác giữa các dân tộc có nền văn minh khác nhau đang tăng dần và chính điều này đã làm nổi bật ý thức về văn minh và nhận thức về sự khác biệt giữa các nền văn minh. Một người di cư gốc Bắc Phi luôn gây khó chịu cho dân Pháp. Người Mỹ sẽ phản ứng tiêu cực hơn trước cơn lốc đầu tư của người Nhật vào nước mình, so với phản ứng trước sự đầu tư của Canada hay châu Âu.
Thứ ba, tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và thay đổi xã hội trên khắp thế giới đang tách người ta ra khỏi sự nhận dạng địa phương từng tồn tại trong thời gian dài. Tình trạng này tạo nên hiện tượng ra đời hàng loạt xu hướng “chính thống” hay “nguyên thủy” có thể thấy trong Công giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Hindu giáo và nhất là Hồi giáo (cụ thể là xung đột của Hồi giáo Sunni và Shiite). Thứ tư, người ta đang tránh để các đặc tính văn hóa bị ảnh hưởng nhiều của chính trị và kinh tế. Trong các xã hội thay đổi nhanh như Nga chẳng hạn, người giàu có thể biến thành kẻ nghèo và người nghèo phút chốc thành kẻ giàu nhưng người Nga sẽ không thể thành người Estonia và người Azerbaijan không thể thành Armenia. Trong những cuộc xung đột giai cấp và tư tưởng hệ, câu hỏi quan trọng nhất luôn là “Bạn đang ở phe nào?” và người ta có thể ở phe này hôm nay hay nhảy sang phe kia vào ngày mai. Trong xung đột văn minh, câu hỏi quan trọng nhất sẽ là “Bạn là gì?” và điều này không thể thay đổi. Ở Bosnia, Caucasus hay Sudan, việc trả lời sai câu hỏi này đồng nghĩa với một phát đạn vào đầu. Chúng ta dễ dàng bắt gặp một người vừa là Pháp vừa là Ả Rập và có thể mang quốc tịch hai nước, nhưng hiếm khi thấy một người vừa theo Công giáo vừa theo Hồi giáo.
Cuối cùng, hiện tượng kinh tế khu vực đang hình thành cũng là vấn đề đáng để ý. Sự thành công của một nền kinh tế khu vực sẽ củng cố và tăng sức mạnh cho ý thức hệ văn minh. Chính nền văn hóa chung chứ không phải gì khác là cơ sở cho sự tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và các cộng đồng Hoa kiều ở các nước châu Á. Bức tranh tương tự cũng có thể thấy trong cộng đồng các nước Hồi giáo không thuộc Ả Rập: Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan và Afghanistan. Khi định nghĩa về dân tộc bao hàm sự nhận dạng cụ thể về sắc tộc và tôn giáo thì người ta bắt đầu có khuynh hướng tạo ra một quan hệ “chúng ta-bọn họ” tồn tại giữa cộng đồng mình và các cộng đồng khác sắc tộc và tôn giáo. Hơn nữa, sự khác biệt văn hóa và tôn giáo cũng tạo ra khác biệt về các vấn đề chính sách cụ thể, từ chuyện nhập cư cho đến thương mại và cả môi trường... Trong thực tế, mâu thuẫn dọc theo ranh giới phân định văn minh phương Tây và văn minh Hồi giáo đã tồn tại hàng ngàn năm qua và thể hiện không chỉ ở các cuộc thập tự chinh Công giáo tấn công Hồi giáo mà còn thể hiện ở sự hiện diện của Anh, Pháp, Ý tại Bắc Phi và Trung Đông sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ 20; còn là các cuộc chiến giữa Ả Rập và Israel (lãnh thổ do phương Tây tạo nên); hàng loạt cuộc xâm chiếm của phương Tây (thực dân Pháp tại Algeria vào thập niên 1950, Anh và Pháp xâm lăng Ai Cập năm 1956, Mỹ đổ bộ Lebanon năm 1958...) hay cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Bosnia đầu thập niên 1990.
Yếu tố văn hóa Lý giải hiện tượng khủng bố toàn cầu như trong bài viết này là cái nhìn rất phổ biến trong giới nghiên cứu phương Tây. Nó đúng chưa và vấn đề có phải chỉ nằm ở yếu tố văn minh và xung đột văn hóa? Có thể có người không đồng tình nhưng cần nhấn mạnh rằng yếu tố văn hóa chính là một trong những nguyên nhân của sự xuất hiện thuật từ gharbzadegi mà nhà văn Jalal Al-e Ahmad (Iran) đặt ra hồi thập niên 1960, có nghĩa “sự ảnh hưởng phương Tây” (West-strickenness) hay “nhiễm độc phương Tây” (Westoxication). Do đó, dù thế nào, khó có thể loại bỏ hẳn yếu tố văn hóa trong mổ xẻ hiện tượng khủng bố. |