Bóng ma diệt chủng ở Sudan
Tin tức từ khu vực Darfur, miền Tây nước Sudan, thật khủng khiếp: Đàn ông bị bắn chết ngay trước cửa nhà, xác bị chặt ra từng khúc bằng kiếm. Phụ nữ bị lôi ra sa mạc, trở thành nô lệ tình dục của dân quân Janjaweed. Số người bị giết ước tính từ 15.000 đến 30.000 người. Không dưới 1 triệu người phải đi sơ tán...
Thảm cảnh nói trên đã diễn ra 17 tháng nay tại khu vực Darfur trong sự thờ ơ của các phương tiện truyền thông phương Tây và sự bất lực của những cơ quan cứu trợ quốc tế. Trong khi thế giới chỉ chú ý tới những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông như Iraq, Israel vì ở đây có những mỏ dầu lớn nhất thế giới thì tại Darfur, một vùng đất nghèo xơ xác và hẻo lánh, đám dân quân Janjaweed - có nghĩa là kỵ binh - người Ả Rập cưỡi ngựa và lạc đà tàn sát không gớm tay những người châu Phi da đen. Lực lượng Janjaweed được Chính phủ Sudan thành lập để đối phó với hai nhóm nổi dậy người châu Phi chống lại chính phủ vì cho rằng chính phủ bênh người Ả Rập đàn áp người châu Phi. Hai nhóm này, hồi tháng 2 vừa qua, đã tấn công những mục tiêu của chính phủ để đòi lại công lý.
Lấy cớ hai tổ chức nổi dậy nói trên có liên hệ với Hassan al-Turabi, chính khách đối lập chính ở Sudan, chính quyền Khartum khai thác mối hận thù giữa các bộ tộc du mục Ả Rập với người châu Phi địa phương có từ lâu và thành lập Janjaweed. Chính quyền đã hỗ trợ lực lượng này bằng máy bay ném bom, trực thăng vũ trang và quân xa. Sau những đợt không kích của chính phủ vào các thị trấn và làng mạc ở Darfur, bọn Janjaweed ra tay chém giết, cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ. Cuộc thảm sát này bị quốc tế nghi ngờ có sự thông đồng của chính phủ mặc dù Tổng thống Sudan Omar al-Bashir từng gọi Janjaweed là “bọn trộm cướp”.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh của tổ chức USAID (Mỹ) hồi tháng 6 cho thấy khoảng 56.000 ngôi nhà tranh vách đất của người châu Phi thuộc 400 ngôi làng ở Darfur đã bị đốt. Bọn Janjaweed còn cướp gia súc, lương thực, phá hủy giếng nước, kênh mương thủy lợi. Các quan chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính có khoảng 2 triệu người châu Phi đang là nạn nhân của nạn “diệt chủng”. Nếu không được cứu giúp kịp thời, từ nay đến cuối năm, số người bị giết có thể lên đến 350.000 người. Cộng đồng quốc tế đã phản ứng rất chậm chạp. Jan Egeland, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, thừa nhận rằng “Chúng ta đã đến Darfur quá chậm”. Đài BBC cho biết các tổ chức cứu trợ quốc tế không có tiền lại bị chính quyền Sudan làm khó dễ (phải xin visa, thủ tục rườm rà) cho nên không thể cứu giúp họ. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell dọa, nếu Chính phủ Sudan không kiểm soát bọn Janjaweed, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ ra tay. Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan cảnh báo nạn diệt chủng có thể đã xảy ra ở Sudan.