BRICS muốn thay thế vai trò của IMF

Ông Vadim Lukov, đại sứ đặc mệnh Bộ Ngoại giao Nga, hôm 10-4 cho biết một ngân hàng phát triển và một quỹ dự trữ ngoại tệ chung của các nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2015 với vốn điều lệ mỗi tổ chức là 100 tỉ USD.

Phát biểu tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo trẻ BRICS tại Trường ĐH MGIMO (Nga), ông Lukov nói: “Thành lập ngân hàng phát triển và quỹ dự trữ ngoại tệ của BRICS là một phần trong quá trình hợp tác kinh tế. Dự thảo điều lệ của ngân hàng đã hoàn tất. Quá trình soạn thảo thỏa thuận liên chính phủ về việc thành lập ngân hàng cũng đang tiến triển”.

Hãng tin Itar-Tass dẫn lời ông Lukov cho biết các bên đang thảo luận về một số khúc mắc, trong đó có nơi đặt trụ sở các tổ chức trên.

 

Ông Vadim Lukov Ảnh: ITAR-TASS
Ông Vadim Lukov Ảnh: ITAR-TASS

Cũng theo nhà ngoại giao Nga, quỹ dự trữ ngoại tệ chung của BRICS sẽ hỗ trợ khẩn cấp nếu một nước thành viên có thâm hụt ngân sách vượt quá một ngưỡng nhất định.

Trong nhiều thập kỷ qua, các khoản tiền hỗ trợ này được cấp thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng nguồn tiền của họ đã cạn kiệt. Bên cạnh đó, IMF chịu sự kiểm soát của phương Tây nên BRICS không có nhiều hy vọng được tổ chức này giúp đỡ.