Cảm giác buồn và hụt hẫng
Mục tiêu của chương trình CalWorks là nhằm chấm dứt sự hỗ trợ dài hạn cho các cá nhân và cơ cấu lại hệ thống này, biến nó thành một “cây cầu” để những người cần nó xây dựng cuộc sống.
Vì mục tiêu trên, CalWorks lập các chương trình đào tạo việc làm và kỹ năng đời sống. Những người già, trẻ em và các nạn nhân bạo hành trong gia đình không bị giới hạn về thời gian.
Đối với nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt hết thời gian được trợ cấp, phải sống trong sự nghèo khổ là một điều xấu hổ. Nhiều người trong số họ từ chối mô tả tình cảnh khó khăn của mình. “Một phần của hành động này là sự ngượng ngùng” – Peter Daniels, điều phối viên chương trình thuộc bộ phận dịch vụ việc làm của tổ chức Catholic Charities của quận Cam, cho biết- “Đó chẳng phải là một điều đáng tự hào mà họ muốn trình bày”.
Nguyễn Thảo, một phụ nữ Việt 35 tuổi, thất nghiệp ở Westminster, đã hết thời hạn được trợ cấp từ đầu năm nay, cho biết trước đây cô đã nỗ lực rất nhiều để thoát nghèo. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã chịu thua và phải xin trợ cấp. Tuy nhiên, cô đặt hy vọng vào 3 đứa con tuổi từ 5 đến 10 của mình. “Tôi đã hết đường đi rồi và điều đó thật đáng căm giận. Tôi không biết tương lai của tôi sẽ đi về đâu. Tôi không thể bỏ 3 đứa con của tôi ở nhà để đi làm và tôi không có những kỹ năng mà tôi cần để có thể cải thiện đời sống” – Thảo nói.
Mẹ của cô Thảo là một phụ nữ Việt
Khi tham gia chương trình CalWorks, Thảo nhận được 300 USD tiền mặt mỗi tháng cộng với việc con cái của cô được chăm sóc để cô rảnh tay đi làm. Cô kiếm được 6,75 USD cho mỗi giờ gói và dán nhãn bao bì bánh bao tại một tiệm bánh nhỏ ở Westminster, nhưng bị mất việc vào tháng 5-2002 sau khi ở nhà một tháng để chăm sóc con gái 5 tuổi của cô bị gãy chân và bị một xe hơi đụng phải. Thảo và 3 con hiện sống ở một căn hộ công lập có 2 phòng trong một khu vực dành cho dân lao động trên xa lộ San Diego. Họ sống bằng tem phiếu thực phẩm và 400 USD hỗ trợ của nhà nước mà các đứa con của cô được hưởng cho đến khi 18 tuổi hay tốt nghiệp trung học phổ thông. Thảo cho biết: “Tôi không thể mua một thứ gì cả và thực sự phải rất tiết kiệm. Tôi muốn dành mọi thời gian lo cho con và ráng cho chúng học hành đến nơi đến chốn để chúng khỏi lâm vào tình cảnh như tôi”. Không nghề nghiệp, mù chữ tiếng Việt và không biết tiếng Anh, Thảo cảm thấy hụt hẫng khi bản thân bị mất trợ cấp đúng vào lúc cô cần nó nhất.
Thống kê của cơ quan dịch vụ xã hội quận Cam cho thấy 92% người mất trợ cấp CalWorks trong năm nay đã tìm được việc làm, nhưng do trình độ hạn chế, đa số làm những việc không có chỗ cho sự thăng tiến, chẳng hạn như các xưởng may, nơi họ chỉ nhận được những khoản tiền lương nhỏ bé. Theo đánh giá của các nhà hoạt động xã hội ở California, do tâm lý chỉ muốn có việc làm dù thấp kém đến mấy trong khi không chịu tham gia vào các khóa đào tạo nghề, người Mỹ gốc Việt đang tự đánh mất các cơ hội cải thiện đời sống cho chính mình.
TRÙNG QUANG (Theo Los Angeles Times)
(*) Xem Báo NLĐ từ ngày 6-11-2003