“Cánh cửa kỳ diệu” cho tù nhân

Mãn hạn tù, không ai ngờ ông Chrisfino Kenyatta Leal lại có được công việc đáng mơ ước và sử dụng máy tính thành thạo

Cơ hội trên không chỉ đến với ông Leal mà còn dành cho các tù nhân khác trong nhà tù San Quentin, bang California - Mỹ. Tất cả nhờ vào chương trình giáo dục tù nhân táo bạo mang tên “The Last Mile” do doanh nhân Chris Redlitz cùng vợ là bà Beverly Parenti khởi xướng năm 2010.

Đam mê học hỏi

Đích thân giảng dạy phạm nhân năm 2011, ông Redlitz không khỏi bất ngờ trước sự đam mê học hỏi của họ. Ông chia sẻ ý tưởng chương trình bắt nguồn từ khi ông giảng dạy cho các doanh nhân trẻ.
 
Còn bà Parenti cho biết: “Khi tù nhân mãn hạn, họ cần một số kỹ năng để thích ứng với thời đại số. Tại bang California, chi phí cho tù nhân còn cao hơn cả đầu tư cho giáo dục cao cấp. Để nuôi một tù nhân cần khoảng 45.000 USD/năm. Ước tính chương trình của chúng tôi đã đầu tư cả triệu USD mỗi năm cho việc đào tạo họ”.
 
img
Lớp học về công nghệ tại nhà tù San Quentin, bang California - Mỹ Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, trong chương trình học kéo dài 6 tháng này, phạm nhân được học 2 buổi tối mỗi tuần về công nghệ và các phát minh sáng tạo. Họ cũng thảo luận nhóm và làm bài tập được giao, chỉ khác là máy tính tại lớp học không được kết nối internet nhằm ngăn chặn tội phạm liên lạc với nhau. Tuy nhiên, họ được phép đăng nhập vào các mạng xã hội khoảng 1 giờ hằng ngày để trò chuyện với các tình nguyện viên. Kết thúc khóa học, các học viên đặc biệt này phải thi cử rất nghiêm ngặt để chứng tỏ năng lực bản thân.

Chương trình đào tạo trên đang được mở rộng đến nhà tù Twin Towers. Kết quả mà chương trình mang lại khá tích cực khi số học viên tốt nghiệp tăng dần mỗi năm. Trong số những người được mời đến giảng dạy có nhiều doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ.

Làm lại cuộc đời

Đối với nhiều tù nhân, chương trình này là “cánh cửa kỳ diệu” giúp họ hòa nhập với xã hội khi trở về nhà. Kết thúc hơn 8 năm trong tù, Hercacio Harts đã tốt nghiệp khóa học và hiện làm việc cho bộ phận kinh doanh của một trang xã hội trực tuyến. Harts phấn khởi: “Tôi từng nghĩ sẽ không ai thuê tôi. Giờ thì tốt quá, các con tôi đã có thể nhìn thấy cha chúng như một công dân bình thường”.

Cũng như Harts, chỉ vài tháng sau khi thi hành xong án tù vì tội tàng trữ ma túy và vũ khí trái phép, ông Chrisfino Kenyatta Leal tìm được một công việc văn phòng đáng mơ ước tại thành phố San Francisco. Người đàn ông 45 tuổi này nói trong hối hận: “Trước đây, tôi từng ấp ủ mộng kinh doanh nhưng tiếc là tôi đã chọn sai con đường”. Giống như những nhân viên khác, ông Leal đang ngày ngày bận rộn với các cuộc họp, có thể sử dụng máy tính và điện thoại thông minh một cách thành thạo. Niềm đam mê công nghệ và những kỹ năng cần thiết cho công việc đều được ông Leal rút tỉa từ chương trình học nói trên.

Ông Sam Robinson, giám thị tại nhà tù San Quentin, đánh giá: “Chương trình giáo dục ở nhà giam được ví như ánh sáng cuối đường hầm cho những ai thực sự muốn trở thành công dân đúng nghĩa một lần nữa”.