Cậu bé 7 tuổi bị IS xử tử vì buột miệng chửi thề

(NLĐO) – Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 5-5 xử tử công khai 1 cậu bé 7 tuổi sau khi em bị cáo buộc chửi thề trong một trận đấu bóng đá.

Theo trang tin địa phương Aranews, cậu bé tên là Muaz Hassan. Em bị hành quyết trước mặt hàng trăm người ở thành trì Raqqa của IS tại Syria. Cha mẹ Hassan khóc ngất khi chứng kiến cảnh con mình bị giết chết.

Cậu bé bị lực lượng “cảnh sát IS” bắt ngày 2-5. Trong khi chơi bóng đá, Hassan buột miệng “chửi thề Thánh Allah”, hành động bị coi là xúc phạm “Đế chế Hồi giáo”.

Một nhà hoạt động địa phương nói với Aranews rằng bất cứ người nào chửi thề cũng đều bị IS trừng phạt, bất kể tuổi tác.

IS đã hành quyết hàng trăm dân thường ở Iraq và Syria. Ảnh: FARS NEWS
IS đã hành quyết hàng trăm dân thường ở Iraq và Syria. Ảnh: FARS NEWS

Hai năm qua, tổ chức khủng bố này đã hành quyết hàng trăm dân thường bằng nhiều cách thức man rợ như chặt đầu, đóng đinh, dìm nước, thiêu sống... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng xử tử một đứa trẻ nhỏ như thế.

Hôm 6-5, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) Jan Kubis cho biết hơn 50 ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy tại các khu vực từng do IS kiểm soát ở Iraq và Syria. Ngôi mộ gần đây nhất nằm ở TP Ramadi, được phát hiện hồi tháng 4, chứa khoảng 40 bộ hài cốt.

Ông Kubis cho rằng đây là bằng chứng xác thực về những tội ác ghê tởm mà IS từng thực hiện. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế bắt IS phải chịu trách nhiệm về những hành động phi nhân tính mà chúng gây ra.

Những đối tượng trở thành mục tiêu của IS tại Iraq bao gồm các thành viên bộ tộc, binh sĩ chính phủ, phụ nữ và người dân tộc thiểu số Yazidi. Theo ông Kubis, các hành động giết người, bắt cóc, hãm hiếp và tra tấn của IS có thể cấu thành tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh, thậm chí diệt chủng.

Thêm vào đó, ông Kubis nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Iraq đẩy hơn 10 triệu người vào cảnh cần được quốc tế cứu trợ. Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, cần khoản viện trợ 861 triệu USD trong năm 2016. Tuy nhiên, các nhà tài trợ chỉ mới đóng góp 1/4 số tiền này, theo ông Kubis.

img
Một ngôi mộ tập thể được khai quật tại Iraq. Ảnh: EPA