Châu Á chạy đua tàu ngầm do căng thẳng trên biển

(NLĐO) – Các nước châu Á đang đua nhau mua sắm tàu ngầm giữa lúc xảy ra tranh cãi chủ quyền ở biển Đông, biển Hoa Đông và nỗi lo Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.

Theo báo cáo gần đây của tổ chức Tình báo Phòng vệ Chiến lược (DSI), trụ sở tại London - Anh, châu Á dẫn đầu thế giới về mức tăng chi tiêu quốc phòng, trong đó đứng đầu là khoản chi để mua tàu ngầm.

Các nhà phân tích của DSI cho biết thị trường tàu ngầm châu Á hiện có giá trị khoảng 7 tỉ USD nhưng sẽ tăng lên 11 tỉ USD trước năm 2025. Điều này có nghĩa châu Á sẽ vượt mặt châu Âu, trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

 

Tàu ngầm tấn công Yu Gwan-sun của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Tàu ngầm tấn công Yu Gwan-sun của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

 

Ông Sravan Kumar Gorantala, nhà phân tích của DSI cho hay Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc là những nước chính mua tàu ngầm giữa lúc có những nỗi lo về nguy cơ xung đột hàng hải ở biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh có hành động ngày càng khiêu khích ở biển Đông và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm cũng khiến một số nước châu Á khác phải tăng cường mua tàu ngầm.

Chẳng hạn như Philippines và Indonesia có động thái mua các tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo. Trong khi đó, Nhật Bản đang tìm kiếm vũ khí của nước ngoài để trang bị cho các tàu ngầm lớp Soryu của mình.

Ông Zhang Baohui, giáo sư bộ môn Khoa học Chính trị ở Trường ĐH Lĩnh Nam (Hồng Kông), đánh giá đang có một "cuộc chạy đua tàu ngầm trong khu vực” và các nước nhỏ sẽ tiếp tục cải thiện khả năng tàu ngầm của mình để đối phó một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng hải quân các nước cần vượt qua một số thách thức, như tài chính, kỹ thuật, hậu cần, nhân lực liên quan đến vấn đề mua sắm và vận hành tàu ngầm. “Không phải tất cả các nước bỏ tiền mua tàu ngầm đều nắm vững nghệ thuật chiến tranh dưới nước" - ông Koh nhận định.