Châu Á trước mối đe dọa của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với một châu Á mới giàu. Ở khắp châu lục này, một tầng lớp trung lưu mới đang từ bỏ bữa ăn truyền thống vốn thường có nhiều rau, gạo và ít thịt để chuyển sang dùng những thức ăn có nhiều chất béo có hại.

Các chuyên gia sức khỏe nhận định rằng người châu Á đặc biệt có nguy cơ bị tiểu đường - vốn thường gây ra bởi trọng lượng quá mức, thức ăn có chất béo và thiếu tập thể dục - do cơ chế trao đổi chất của người châu Á trong nhiều thế kỷ qua đã quen với một chế độ ăn uống thanh đạm và làm việc nhiều.

Clive Cockram, một giảng viên y học tại Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông, nhận định: “Nếu bạn có một cuộc sống nghèo trước đó và rồi đột nhiên giàu lên, bạn có thể gặp nhiều nguy cơ (bị tiểu đường) hơn”. Các chuyên gia lo ngại rằng bệnh tiểu đường có thể tiến gần đến việc trở thành đại dịch ở khắp châu Á và cả trong những cộng đồng người châu Á giàu có ở nước ngoài. Tiến sĩ Shirine Boardman, một chuyên gia về tiểu đường ở Bệnh viện Warwick tại Anh, nhận định: “Tiểu đường sẽ sớm trở thành vấn đề sức khỏe chính của các nước đang phát triển”.

Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, thế giới hiện có khoảng 246 triệu người nhiễm bệnh tiểu đường type 2, loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất và dự kiến sẽ tăng lên 380 triệu người vào năm 2025. Căn bệnh này được xem là nguyên nhân khiến khoảng 3 triệu người chết mỗi năm.