Chế độ đa thê và tấm thẻ cư dân Pháp

Trước đây, với chủ trương cho đoàn tụ gia đình, nước Pháp cho phép đàn ông châu Phi bảo lãnh người vợ thứ hai của mình. Nhưng ngày nay Pháp đã cấm chế độ đa thê và để giữ chặt được chiếc thẻ cư trú trên đất Pháp, những người chồng này không ngần ngại đẩy vợ mình ra đường...

Mantes-la-Jolie, khu Val-Fourré. Chúng ta đang ở trong nhà của Abdoulaye, 50 tuổi, và hai người vợ tên là Mariatou và Maimouna - một gia đình gốc Sénégal sống tại Pháp đã gần ba mươi năm trong khu da đen Yveslines. Ngay lối vào nhà ngổn ngang có chục đôi giày dép trẻ con. Trong căn phòng duy nhất dành cho trẻ con, sáu chiếc giường lắp chồng lên nhau và ở đó "những đứa nhỏ hơn sẽ ngủ chung ngược đầu nhau''. Nhưng cũng có những chiếc giường em bé trong phòng của mỗi bà vợ. Chị Mariatou, 46 tuổi, nói: ''Tôi đến đất Pháp năm 18 tuổi để hội ngộ với chồng. Đó là cuộc hôn nhân theo tập quán, do cha mẹ quyết định, trong khi đó tôi yêu thương một người khác trong làng. Bảy năm sau, Abdoulaye báo tin anh ấy đã lấy vợ hai trong thời gian đi nghỉ hè ở quê hương. Tôi chẳng nói năng gì, vì ở chỗ chúng tôi thì đó là truyền thống. Rồi một hôm, Maimouna xuống sân bay...". Chị Mariatou nói tiếp: ''Phải thu mình sát vào nhau để ai cũng có phòng. Rồi nhiều năm qua đi. Tôi có 5 đứa con, còn chị ta có 8 đứa. Tức là 16 mạng trong một căn nhà nhỏ xíu".

Uy thế của những đứa trẻ

Đó chỉ là một con số bình thường trong một gia đình đa thê. Colette Bodin, thuộc Hiệp hội Các dịch vụ vợ chồng châu Phi, cho biết: ''Cho dù gia đình chỉ sống nhờ vào đồng lương công nhân duy nhất của người cha và khoản tiền trợ cấp gia đình, có nhiều con là một dấu hiệu uy thế đối với các hộ gia đình gốc nông dân này. Và cho dù đã đến đất Pháp, phụ nữ châu Phi vẫn còn tin tưởng rằng họ sẽ được người chồng thương yêu và coi trọng nếu như họ có nhiều con hơn so với người vợ sống chung khác, nhất là con trai... Chính sự thiển cận này đã khiến các hiệp hội phải giận dữ. Colette Bodin đã lấy làm tiếc: ''Có khá nhiều các nhà xã hội học và các chuyên gia về châu Phi cảnh báo rằng việc cho phép chế độ đa thê của dân nhập cư nghèo tồn tại ở Pháp, đó chính là mở cửa đón bao sự hỗn loạn ghê gớm!".

Đến năm 1992 nước Pháp có 8.000 và 15.000 gia đình sống theo tập tục này. Đến năm 1993 "Luật Pasqua" ra đời: ngăn cấm chế độ đa thê nhập khẩu, vì đó là triệu chứng của sự hội nhập tệ hại... Để nhận được hoặc gia hạn giấy cư trú - nhất là đem lại quyền làm việc - Luật Pasqua buộc những người chồng này phải từ bỏ chế độ đa thê. Năm 2000, Luật Pasqua có phần ''giảm nhẹ'' với việc cho phép người vợ đầu được gia hạn thẻ cư dân. Người chồng đa thê và người vợ thứ hai phải chứng minh rằng họ đã không còn sống chung với nhau nữa mới được nhận danh hiệu lưu trú. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ luật lệ này sẽ có những hậu quả tai hại cho những người vợ châu Phi. Trong lúc gia hạn thẻ cư trú cho mình, một số người chồng đã không ngần ngại tống vợ mình lên máy bay đi Bamako hay Dakar, thậm chí đôi khi cùng với những đứa con.

Thậm chí một số người chồng khác không trả tiền cho chuyến đi. Đơn giản là họ đuổi cổ vợ ra khỏi cửa! Hoặc là người vợ cả - bởi vì chị ta đã lớn tuổi hơn, do đó không còn hấp dẫn nữa - hoặc là người vợ hai, bởi vì cô nàng này trẻ hơn, do đó ít phục tùng chồng. Là mẹ của những đứa trẻ được sinh ra tại Pháp, các phụ nữ này không thể bị trục xuất hay tước thẻ cư trú. Nhưng những phụ nữ này không có phương tiện để làm việc, không thể xoay xở để sống độc lập được.

Một sự thỏa thuận bề ngoài

Các cô con gái cũng phải tham gia rất sớm vào công việc bếp núc nhà cửa (chớ không phải con trai), ảnh hưởng xấu đến việc học tập của các em ở trường. Thế cho nên sự việc học hành yếu kém chắc chắn xảy ra càng lúc càng tồi tệ thêm do tình trạng sống chung hỗn tạp này. Mariam, 23 tuổi, đã lớn lên trong một gia đình đa thê, cho biết: “Vì chỉ có một phòng tắm, nên cuối cùng tôi đã phải bỏ học vì không tắm rửa gì được trước khi đến trường!”.

Trong tình trạng sống như thế tất nhiên nơi ở sẽ nhanh chóng xuống cấp trầm trọng. Nhưng việc ở chung quá đông đó chưa phải là nguyên do duy nhất. Isabelle Gillette-Faye giải thích: “Bất chấp một sự thỏa thuận bề ngoài, cũng thường xuyên xảy ra những sự ghen tuông giữa những người vợ chung chồng. Từ đó sinh ra những cuộc cãi cọ và đôi khi dẫn đến bi kịch”. Một phụ nữ hoạt động xã hội kể: “Họ hành hạ nhau, ném người kia qua cửa sổ, ngược đãi con cái. Một số còn phải nhập viện vì bị gãy tay, bị chém...”. Năm 2001, một bản thông tri được công bố nhằm giúp đỡ những người vợ “bị tước quyền ở chung'' có thể tìm được một mái nhà “trong phần đóng góp nhà ở xã hội do tỉnh trưởng quản lý”. Nhưng hiếm có tỉnh, thành nào áp dụng điều đó. Tỉnh Mantes- la-Jolie còn đi xa hơn với việc đề nghị một chỗ ở cho mỗi người vợ chung chồng trên cùng một khu vực để cho những người cha có thể thực thi vai trò của mình. Song bù vào đó họ phải chấp thuận đi cùng với xã hội: chế độ cưỡng bức học chữ cho phụ nữ - để hội nhập tốt hơn và theo dõi được chuyện học hành của con cái - sự nâng đỡ của xã hội, những lời khuyên về phòng tránh thai, sự quản lý tiền trợ cấp dành cho các bà mẹ, chớ không dành cho các người cha. Nhờ thế mới có thể chấm dứt được tình trạng trẻ lang thang ngoài phố về đêm, bởi vì sự lập luận rằng không có không gian để ở. Một “hợp đồng hội nhập'' được tài trợ mạnh bởi tiền của xã hội.