Chia rẽ

Hiếm có vấn đề nào gây chia rẽ dư luận và chính trường Ấn Độ trong thời gian dài như đề xuất lập bang thứ 29.

Vào tuần rồi, một nghị sĩ đã phun hơi cay tứ tung trong phòng họp để phản đối dự luật lập bang Telangana tách ra từ bang Andhra Pradesh hiện tại. Ngược lại, nghị sĩ K. Chandrasekhar Rao trở nên nổi tiếng vì tuyệt thực 16 ngày hồi năm 2009 để ủng hộ bước đi này. Đó là chưa kể một số vụ tự sát có liên quan.

Sau hơn 40 năm tranh cãi, dự luật nêu trên cũng được Hạ viện Ấn Độ thông qua hôm 18-2. Để ngăn ngừa hơi cay lại bay tung tóe, hơn 10 nghị sĩ phản đối bị cấm bỏ phiếu với lý do vi phạm kỷ luật. Dù vậy, hình ảnh truyền hình trực tiếp bỗng dưng gián đoạn bí ẩn ngay trước cuộc bỏ phiếu càng khiến làn sóng phản đối thêm mạnh mẽ.

 

Người dân ở Hyderabad ăn mừng sau khi Hạ viện thông qua dự luật lập bang Telangana Ảnh: AP

Người dân ở Hyderabad ăn mừng sau khi Hạ viện thông qua dự luật lập bang Telangana

Ảnh: AP

 

Những người chỉ trích cho rằng cuộc bỏ phiếu diễn ra mờ ám cũng như bị đẩy nhanh để kiếm thêm sự ủng hộ cho các đảng lớn trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 tới. Đảng Quốc đại nhiều khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ những cử tri ủng hộ lập bang mới. Nghị sĩ Dinesh Trivedi nhận định với báo The New York Times: “Tinh thần dân chủ đã bị giết chết tại quốc hội sau cuộc bỏ phiếu”.

Các hoạt động ăn mừng lẫn bất bình diễn ra khắp Ấn Độ. Chia rẽ sâu sắc thể hiện rõ nhất ngay tại Andhra Pradesh, nơi tỉ lệ người dân “thuận” và “chống” lập bang mới gần như ngang nhau. Một trong những lý do là không bên nào muốn mất “con gà đẻ trứng vàng” Hyderabad - thủ phủ hiện nay của Andhra Pradesh và là trung tâm công nghệ hàng đầu Ấn Độ. Để giảm bớt căng thẳng, dự luật quy định Hyderabad sẽ là thủ phủ của cả Telangana và Andhra Pradesh trong 10 năm nếu nó được thượng viện thông qua.

Nguy hiểm hơn, Thủ hiến bang Andhra Pradesh, ông Kiran Kumar Reddy, hôm 19-2 đã tuyên bố từ chức nhằm phản đối dự luật. Nói như nghị sĩ Jayaprakash Narayan, phải mất nhiều năm nữa, Ấn Độ mới mong hàn gắn được những rạn nứt này.