Chiến dịch Paget

Ngày 14-12-2006, cảnh sát Anh đã công bố kết quả chính thức cuộc điều tra về cái chết bi thảm của công nương Diana cách đây hơn 9 năm. Theo cuộc điều tra dài nhất, tốn kém nhất này trong lịch sử nước Anh, không hề có âm mưu nào sát hại công nương Diana. Công nương qua đời trong một tai nạn xe cộ thông thường như bao vụ tai nạn khác do tài xế say xỉn phóng nhanh vượt ẩu. Mặc dù vậy, theo đài BBC, vẫn có hơn 30% người dân không tin như vậy

Do công nương Diana, người vợ ly dị của thái tử Charles, chết một cách bi thảm và bất ngờ vào rạng sáng 31-8-1997 tại Paris nên đã có nhiều giả thuyết khác nhau về cái chết này và tất cả đều cho rằng có ai đó đã sát hại công nương vì nhiều lý do khác nhau. Ai đó là MI5 và MI6 (Cơ quan Tình báo Anh), Mossad (Tình báo Israel), CIA (Tình báo Mỹ), NSA (Cơ quan An ninh Mỹ), Hội Tam Điểm (hội kín Pháp), giáo phái Scientologist, giới công nghiệp quân sự, thậm chí phu quân của nữ hoàng Elizabeth II là quận công Edinburgh!

15.000 lời khai, 20.000 tài liệu

Mạnh miệng nhất là Mohamed Fayed, một doanh nhân Ai Cập giàu có sinh sống ở Anh, ông chủ cửa hàng sang trọng Harrods đồng thời cũng là ông chủ Câu lạc bộ bóng đá Fulham FC. Theo ông này, hoàng gia Anh, MI5 và MI6 đã âm mưu sát hại công nương Diana vì không muốn công nương lấy con trai ông là Dodi, một người Hồi giáo. Diana còn mang thai với Dodi.

Chính vì những lời đồn thổi nói trên - trên website Google có đến 461.000 bài báo nói về những giả thuyết lý giải cái chết của công nương Diana - cảnh sát Anh đã quyết định tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng nhằm đánh tan những tin đồn. Cuộc điều tra mang mật danh “Chiến dịch Paget” - được giao cho Lord Stevens, cựu cảnh sát trưởng, cùng với 12 điều tra viên giỏi nhất của Scotland Yard.

Tuy quy mô không lớn bằng cuộc điều tra của Ủy ban Warren về vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, Chiến dịch Paget cũng mất đến ba năm và ngốn của ngân quỹ nhà nước hết 3,69 triệu bảng (118 tỉ VNĐ) để có thể đưa ra một bản báo cáo dày 832 trang.

img
Một trong những hình ảnh cuối cùng của công nương Diana trước khi tử nạn

Phải thừa nhận rằng công sức nhóm điều tra bỏ ra là rất đáng nể. Họ đã phỏng vấn 330 nhân chứng, ghi nhận hơn 15.000 lời khai, giám định 600 tang vật, làm xét nghiệm pháp y chiếc Mercedes bẹp dí rồi tái tạo nó, xem xét từng chi tiết nhỏ nhất như khám tủ lạnh của tài xế Paul (chứa sâm-banh và bia), tìm những thiết bị nghe trộm trong nhà của công nương tại London vì có tin đồn bà bị ai đó giám sát bí mật 24/24 giờ.

Trong số những người được phỏng vấn có những người nói chuyện với công nương vài ngày trước khi bà chết, bao gồm một phóng viên báo lá cải, một người bạn bán xe hơi và bà Lucia Flecha de Lima, vợ của đại sứ Brazil ở Mỹ, kể cả một người mẫu thời trang Mỹ tự xưng là vợ tương lai của Dodi.

Họ cũng phỏng vấn các nhà bệnh lý học, nhà độc chất học, các tay paparazzi (săn ảnh trộm), các quan chức MI5 và MI6, những người ướp xác, các nhà ngoại giao Anh, thái tử Charles, hai nhân chứng mới chứng kiến tai nạn, quản gia, em gái của công nương và dĩ nhiên Mohamed Fayed, không những hỏi một lần mà rất nhiều lần.

Lord Stevens và nhóm công tác của ông đã bỏ ra ba tuần lễ để rà soát lại những tài liệu của MI5 và MI6 xem có dấu hiệu hai cơ quan tình báo này có dính líu đến cái chết của công nương Diana như các lời đồn thổi, nhất là những tố giác của ông Mohamed Fayed. Họ cũng đã bỏ ra khá nhiều thời gian để nghiên cứu 6.000 trang tài liệu, kết quả của hai cuộc điều tra chính thức vụ án của phía cảnh sát Pháp.

Nhật báo The Independent còn cho biết 12 điều tra viên đã bay sang 8 nước, trong đó có Nigeria, để thu thập 20.000 tài liệu. Một điều mà một nhà bình luận của tờ báo này cho rằng quá lãng phí và yêu cầu điều tra về việc lạm dụng công quỹ nhà nước.

Kết quả điều tra không nằm ngoài dự đoán của công chúng. Trước mặt đông đảo đại diện của các cơ quan truyền thông quốc nội và quốc tế hôm 14-12, Lord Stevens dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi kết luận rằng theo những chứng cứ thu thập được cho đến thời điểm này, không có một âm mưu nào sát hại bất cứ người nào đi trên chiếc xe. Đó là một tai nạn bi thảm”.

Có 4 kết luận quan trọng trong bản báo cáo của Lord Stevens:

1. Quận công Edinburgh và hai cơ quan tình báo Anh (MI5 và MI6) không có âm mưu sát hại công nương Diana, như tố giác của ông Mohamed Fayed.

2. Không có ai bao che vụ tai nạn thảm khốc ở Paris khiến công nương Diana, người bạn tình Dodi Fayed và tài xế Paul chết thảm.

3. Công nương Diana không có mang với Dodi vào thời điểm xảy ra tai nạn.

4. Công nương Diana cũng không đính hôn với Dodi như lời ông Mohamed Fayed.

Chưa hết nghi vấn

Tuy nhiên, bản báo cáo vẫn chưa làm sáng tỏ về chi tiết có một chiếc xe Fiat Uno màu trắng bị chiếc Mercedes cọ quẹt trước khi đâm sầm vào vách hầm. Các nhà điều tra không tìm thấy chiếc xe này và cũng không xác định được người lái xe đó là ai. Về điểm này, theo tờ The Sun, bản báo cáo có đề cập đến một nhà lãnh đạo của một công ty bảo vệ Việt Nam vì chiếc xe Fiat Uno của ông này đã được sơn phun lại một vết xước ngay sau khi xảy ra tai nạn nhưng người này không chịu hợp tác với các nhà điều tra Anh.

Bản báo cáo cũng không thể cho biết giữa 7 giờ và 10 giờ đêm hôm ấy tài xế Paul đi đâu, làm gì. Theo một giả thuyết, Paul đi gặp một người bí mật nào đó nhận chỉ thị sát hại Dodi Fayed. Lại có một chi tiết khác khá bất ngờ: NSA có 39 tài liệu mật về công nương Diana và các cơ quan tình báo Mỹ khác có đến 1.000 trang thông tin mật về Diana. Các cơ quan tình báo Mỹ nghe lén công nương Diana để làm gì?

Những người đa nghi chỉ chờ có thế để nghi ngờ tính xác thực của “Chiến dịch Paget”. Đặc biệt, ông Mohamed Fayed cực lực bác bỏ: “Đó là thứ rác rưởi” và cho rằng Lord Stevens “có vấn đề về tâm thần”, “một công cụ của hoàng gia và tình báo Anh”. Và như vậy, các giả thuyết vẫn tiếp tục phát huy tác dụng.