Chiến sự gia tăng ở Mali

Theo thủ lĩnh phiến quân, việc can thiệp quân sự ở Mali chứa đựng nhiều nguy cơ đối với Tổng thống Pháp François Hollande

Phiến quân Hồi giáo ngày 14-1 đã tiến gần hơn đến thủ đô Bamako bất chấp các cuộc không kích và cuộc hành quân trên bộ của binh sĩ Pháp. Theo kênh truyền hình Al Arabiya, phiến quân tuyên bố Pháp đã “mở cửa hỏa ngục” khi thực hiện cuộc tấn công vào Mali, đồng thời đe dọa sẽ báo thù.
 
img
Binh sĩ Pháp tại căn cứ không quân ở Bamako, Mali ngày 14-1
Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến của ông Hollande

“Pháp đã rơi vào một cái bẫy còn nguy hiểm hơn Iraq, Afghanistan hoặc Somalia”. Đó là tuyên bố trên đài phát thanh Europe 1 (Pháp) của Omar Ould Hamaha, thủ lĩnh tổ chức Duy nhất và Thánh chiến ở Tây Phi, một trong những tổ chức phiến quân đang nắm quyền kiểm soát miền Bắc Mali.

Các chiến đấu cơ của Pháp vẫn đang tiếp tục dội bom xuống căn cứ địa của quân nổi dậy ở Bắc Mali. Tổng thống (TT) François Hollande giải thích rằng ông được quốc tế ủy nhiệm hành động ở Mali, được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và nhất là đích thân TT lâm thời Mali đã yêu cầu giúp đỡ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean - Yves Le Drian gọi đây là cuộc chiến chống khủng bố nhưng báo The Guardian (Anh) gọi đây là “cuộc chiến tranh của ông Hollande”.

Các nhà bình luận ở Pháp cho rằng Mali có thể thay đổi hình ảnh chính trị của TT Hollande. “Nếu Sarkozy có Libya, Hollande có Mali” - tờ Le Parisien bình luận. Điều đáng nói là “cuộc chiến tranh của ông Sarkozy” ở Libya chưa bao giờ làm tăng tỉ lệ ủng hộ vị cựu TT Pháp và thậm chí đã không giúp ông được tái cử. Như thế, sự can thiệp quân sự ở Mali không phải là không có nguy cơ đối với ông Hollande, như lời đe dọa của thủ lĩnh phiến quân Hamaha.

Quốc tế ủng hộ

Nhiều người lo ngại miền Bắc Mali có thể trở thành bàn đạp cho các vụ tấn công khủng bố nhắm vào phương Tây và là căn cứ để phối hợp với các chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen, Somalia và Pakistan. Chính vì lý do đó, Pháp đã đưa chiến đấu cơ và quân đội đến Mali bất chấp phiến quân dọa sẽ biến đất nước này trở thành một Afghanistan thứ hai.

Nhiều nước phương Tây đã ủng hộ Pháp. Tổng cộng có 11 quốc gia cam kết gửi quân hỗ trợ Pháp hoặc ủng hộ về mặt hậu cần. Canada đã đưa ra đề nghị gửi các phương tiện vận chuyển quân sự cho quân đội Pháp trong khi Mỹ cho biết sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Pháp và hỗ trợ về mặt hậu cần. Cuối tuần qua, Anh đã cử một số máy bay vận tải C-17 đến để giúp Pháp chuyển thêm nhiều quân hơn. Theo hãng tin Reuters, Đức cũng đã đồng ý hỗ trợ binh sĩ Pháp đang chiến đấu với phiến quân ở Mali mặc dù bác bỏ việc đưa quân đến nước Tây Phi này.

Tuy nhiên, điều đáng khích lệ nhất đối với TT Hollande cho đến lúc này là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh sự can thiệp quân sự do Pháp dẫn đầu ở Mali. NATO cũng hoan nghênh sự can thiệp quân sự của Pháp ở Mali nhưng cho biết liên minh này không nhận được bất kỳ sự yêu cầu giúp đỡ nào của Pháp. Nữ phát ngôn viên NATO, bà Oana Lungescu, nhấn mạnh: “Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều quan ngại về mối đe dọa của các tổ chức khủng bố ở Mali, không chỉ đối với đất nước này mà còn khắp cả khu vực”.

Binh sĩ khu vực đến Mali

Theo hãng tin Reuters, bộ trưởng quốc phòng các nước Tây Phi ngày 15-1 họp thông qua kế hoạch đẩy nhanh việc điều động binh sĩ chống lại phiến quân Hồi giáo ở Bắc Mali. Theo kế hoạch, những nhóm binh sĩ Tây Phi đầu tiên sẽ đến Mali vào tuần tới. Trong khi đó, Algeria cho biết đã đóng cửa biên giới sa mạc 2.000 km với Bắc Mali để ngăn phiến quân xâm nhập nước này. Ở phía Tây, Mauritania xác nhận đã điều động binh sĩ đến gần biên giới với Mali.