Chiến tranh Iraq, những con số

Sau khi tiêu tốn 751 tỉ USD và sinh mạng của 4.415 binh sĩ, ngày 19-8, lữ đoàn tác chiến gọi là cuối cùng của Mỹ đã rút khỏi Iraq, để lại một đất nước không yên ổn

Theo kế hoạch của Nhà Trắng, ngày 31-8 này mới là hạn chót để Mỹ rút đơn vị tác chiến cuối cùng ra khỏi Iraq.
 
Cuộc rút quân của lữ đoàn 4 tác chiến Stryker diễn ra trong đêm 18 rạng sáng 19-8, trước thời hạn quy định 12 ngày, được xem là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng của một cuộc chiến mang lại nhiều tai tiếng cho nước Mỹ.
 
img
Ngày 19-8, 150 lính đầu tiên của lữ đoàn 4 Stryker đã trở về Mỹ.
Lyndsey Squires, 22 tuổi, bồng con chờ chồng trong buổi lễ đón quân
ở căn cứ Lewis-McChord, bang Washington. Ảnh: AP
 
Cuộc chiến đắt nhất
 
Ngoài những tổn thất lớn về vật chất và nhân mạng mà nhân dân Iraq gánh chịu, cuộc chiến dai dẳng ở đất nước này đã gây thiệt hại khá nặng nề cho nước Mỹ về mặt quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao trong suốt 7 năm 5 tháng.
 
Về mặt quân sự, nhiều người còn nhớ 40 ngày sau khi cuộc chiến đại quy mô xâm lược Iraq bắt đầu (ngày 20-3-2003), Tổng thống George W. Bush xuất hiện trên chiến hạm USS Abraham Lincoln trong một chiến dịch PR được chuẩn bị rất kỹ.
 
Đứng trước băng-rôn mang dòng chữ “Nhiệm vụ đã hoàn thành”, ông Bush dõng dạc tuyên bố cuộc chiến then chốt ở Iraq đã hoàn tất, chính quyền tổng thống Saddam Hussein đã bị xóa sổ, nước Mỹ không còn bị vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq đe dọa.
 
 Nhưng lúc đó, ông Bush đã bị chỉ trích là nặng phần trình diễn trước ống kính các báo đài vì thực chất không giống như lời tuyên bố của tổng thống.
 
Chỉ vài năm sau, chuyện Iraq âm mưu sản xuất vũ khí hạt nhân và hóa học – cái cớ chính để Mỹ qua mặt Liên Hiệp Quốc đơn phương tấn công Iraq - đã bị bóc trần.
 
Cuộc chiến Iraq cũng không hề chấm dứt theo tính toán của Washington. Nó trở thành một trong những cuộc chiến dài nhất và hao tốn nhất trong lịch sử nước Mỹ, vượt xa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên trước đó.
 
Đánh giá cuộc chiến Iraq, Toby Dodge, chuyên gia hàng đầu về Iraq tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở London, nhận xét: “Nếu tính xương máu và của cải mà các bên đã đổ ra thì kết quả cuộc chiến này là rất tồi”.
 
img
Đoàn xe bọc thép của lữ đoàn 4 Stryker tác chiến ở Iraq đang vượt biên giới Kuwait hôm 18-8. Ảnh: AP
 
Trong hơn 7 năm qua, quân đội Mỹ thường xuyên bị quân nổi dậy tấn công khiến tổn thất nhân mạng không ngừng tăng lên.
 
Tính đến ngày 18-8 vừa qua, theo iCasualties.org, trang web của một tổ chức độc lập của Mỹ giám sát cuộc chiến Iraq, số lính Mỹ chết trên chiến trường Iraq là 4.415 người. Đó là chưa kể 139 lính Anh và 139 lính các nước đồng minh của Mỹ tham gia chiến trận Iraq.
 

Trong số các bang, California là bang có nhiều lính chết trận nhất với 466 người. Kế đó là bang Texas với 413 người và Pennsylvania với 195 người.

 
Theo iCasualties.org, số lính bị thương tính đến hết tháng 7-2010 là 31.882 người, trong đó 2/3 là lính bộ binh.
 
Về phía Iraq, theo Tổ chức Brookings Institution Iraq Index, tính từ tháng 6-2003 đến 29-6-2010, có 9.537 lính chết. Trong khi đó, số thường dân bị giết là vào khoảng 97.000 – 106.000 người.
 
Về mặt tài chính, cuộc chiến Iraq đã góp phần không nhỏ làm cho công nợ của nước Mỹ, tính đến ngày 19-8, lên đến 13.310,379 tỉ USD.
 
Cuối năm tài chính 2010, Mỹ đã đổ 751 tỉ USD vào cuộc chiến Iraq, theo báo cáo tháng 7 của CRS, một cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ.
 
Số tiền nói trên bao gồm 53 tỉ USD chi phí linh tinh từ giáo dục, xây dựng các hệ thống thoát nước thải đến vật dụng văn phòng và sơn; 23 tỉ USD huấn luyện lực lượng an ninh Iraq từ năm 2004. Năm tài chính 2011 dự kiến chi phí huấn luyện tăng thêm 2 tỉ USD.
 
Đáng chú ý là năm tài chính 2008, Mỹ đã chi đến 142 tỉ USD, số tiền lớn nhất cho cuộc chiến Iraq. Năm tài chính 2011, dự kiến Mỹ sẽ châm thêm 51 tỉ USD.
 
Về mặt chính trị và ngoại giao, theo tuần báo Đức Der Spiegel, sức mạnh của Mỹ đã suy giảm đáng kể trong gần thập niên qua khi sa lầy ở hai chiến trường Iraq và Afghanistan.
 
Thay danh đổi tánh
 
Sau khi lữ đoàn 4 Stryker đến Kuwait hôm 20-8 chờ ngày trở về căn cứ Fort Lewis-McChord, bang Washington, Mỹ vẫn còn 7 lữ đoàn tác chiến và 2 lữ đoàn vệ quốc quân đặc trách “an ninh” ở Iraq.
 
Bảy lữ đoàn trên bao gồm 4 lữ đoàn của sư đoàn 3 bộ binh, lữ đoàn số 1 của sư đoàn thiết giáp số 1 và lữ đoàn 3 tác chiến của sư đoàn 4 bộ binh.
 
Tất cả lữ đoàn nói trên từ nay có nhiệm vụ mới là “tư vấn và hỗ trợ” quân đội Iraq. Nhưng gọi hoa hồng bằng cái tên gì đi nữa thì nó cũng vẫn là hoa hồng.
 
Ngày 22-8, phát biểu trên đài truyền hình CNN, tướng Raymond Odierno – tư lệnh Mỹ ở Iraq - cho biết các lữ đoàn Mỹ còn lại ở Iraq có thể tác chiến trở lại “nếu lực lượng an ninh Iraq thất bại hoàn toàn” hoặc lực lượng đó bị chia năm xẻ bảy bởi chia rẽ chính trị. Tuy nhiên, ông nói thêm, điều đó khó xảy ra vì “lực lượng an ninh Iraq lâu nay vẫn làm rất tốt”.
 
52.000 quân Mỹ ở lại Iraq với tư cách là cố vấn vẫn kèm cặp quân đội Iraq trong những cuộc hành quân chống các nhóm nổi dậy chống chính quyền và chống Mỹ từ nay đến cuối năm 2011, theo một hiệp định quân sự Mỹ-Iraq 2009.
 
Ngoài ra hai lữ đoàn không quân Mỹ vẫn hoạt động bình thường ở Iraq. Các phi công tiếp tục hỗ trợ bộ binh Iraq. Lính biệt kích Mỹ vẫn chiến đấu chống các nhóm khủng bố. Nói cách khác, khi quân đội Mỹ ra khỏi doanh trại thì họ vẫn sẵn sàng tác chiến.
 
Kỳ tới: Người Mỹ rút đi, cay đắng ở lại