Nhận định: Nước Mỹ có 6 triệu tín đồ Hồi giáo lẽ nào không hiểu rằng, đánh Iraq tức là giúp chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thêm lông thêm cánh?
Kinh tế lụn bại.- Nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Mỹ đơn phương tấn công Iraq. Ngày 1-8 vừa qua, điều trần trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ, hầu hết các chuyên gia Mỹ đều cho rằng cái giá phải trả cho việc lật đổ TT Hussein là rất đắt. Scott Feil, cựu đại tá lục quân nay là chuyên gia về các chương trình tái thiết sau chiến tranh, cho biết rằng sau khi TT Hussein bị lật đổ, cần phải triển khai 75.000 quân để bình định Iraq. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới Iran, tuần tra ở các thành phố lớn và bảo vệ các mỏ dầu và kho vũ khí. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ phải chi ít nhất 16 tỉ USD để duy trì lực lượng vừa kể. Nếu mọi việc suôn sẻ, lực lượng này có thể rút lui sau 12 tháng nhưng Mỹ vẫn cần 5.000 quân ở lại Iraq ít nhất 5 năm nữa để hỗ trợ về mặt an ninh cho một chính quyền mới thân Mỹ.
Chi phí kể trên chỉ là một chi tiết nhỏ. Chiến dịch tấn công quân sự vào Iraq sẽ tốn bao nhiêu? Chưa thấy con số nào được đưa ra. Còn nhớ cách đây 11 năm, Mỹ và các nước đồng minh đã bỏ ra 60 tỉ USD cho cuộc chiến vùng Vịnh. Nhưng lúc đó, Mỹ chỉ phải chi 12 tỉ USD, 48 tỉ còn lại các nước đồng minh của Mỹ trả. Còn lần này Mỹ sẽ phải chi toàn bộ các chi phí vì không có nước nào muốn “chia lửa” với Mỹ. Trong bối cảnh ngân sách liên bang thâm hụt liên tục như hiện nay, ngân sách chiến tranh sẽ ngốn phần của các chương trình dân sinh nội địa, khiến lòng dân xôn xao. Iraq bị tấn công đồng nghĩa với sự cắt giảm một nguồn xuất khẩu dầu thô lớn. Cuộc chiến vùng Vịnh trước đây từng làm nước Mỹ khốn đốn vì giá dầu tăng cao. Các mỏ dầu của Iraq bị hủy diệt, cả thế giới sẽ rúng động vì khủng hoảng giá dầu chớ không riêng vì nước Mỹ. Kinh tế lao đao thì hy vọng tái đắc cử của TT Bush vào năm 2004 sẽ rất phiêu.
Khả năng chiến thắng thấp.- Một trong những lý do mà Mỹ viện cớ để tấn công Iraq là nước này đang sản xuất vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh hóa học. Theo lập luận của Mỹ, điều này đe dọa trực tiếp nền an ninh nước Mỹ. Tuy không trưng ra được bằng chứng, nhưng hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld khẳng định rằng không những Iraq đã có vũ khí giết người hàng loạt mà còn chôn giấu rất kỹ chúng sâu dưới lòng đất, còn các phòng thí nghiệm sản xuất vũ khí sinh hóa học được di chuyển luôn luôn, rất khó phá hủy bằng hỏa lực không quân. Ông Rumsfeld - người muốn đánh ngay Iraq trong lúc này - muốn TT Bush chọn giải pháp xâm lược toàn diện Iraq, dùng mọi binh chủng chớ không lặp lại chiến thuật đã dùng ở Afghanistan là oanh tạc ồ ạt buộc Taliban rút lui cho đến khi sụp đổ hoàn toàn. Sau đó, Mỹ và đồng minh mới đưa bộ binh vào truy kích tàn quân Taliban và Al-Qaeda. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ông Rumsfeld cũng đã lộ vẻ nghi ngờ về khả năng chiến thắng giòn giã của Mỹ. Và không chỉ có ông Rumsfeld lo ngại. Tướng Joseph Hoar, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, cũng nghĩ rằng dùng sức mạnh quân sự để lật đổ TT Hussein trước khi khai thông những cản ngại về ngoại giao và kinh tế thì sẽ khó thắng. Hơn nữa, nhiều nhà lập pháp Mỹ vẫn thắc mắc: Thật ra, Iraq đe dọa an ninh Mỹ cỡ nào? Sẽ có bao nhiêu lính Mỹ thiệt mạng, bị bắt làm tù binh hay mất tích? Nước nào sẽ ủng hộ Mỹ tấn công Iraq? Ai sẽ thay thế TT Hussein? Chiếm được Iraq rồi, quân đội Mỹ phải ở lại bao lâu nữa? Washington chưa thể trả lời các câu hỏi này.
Ðánh hay không đánh?.- Ðây là một câu hỏi phức tạp. Tình hình ở Mỹ hiện nay cũng phức tạp. Một mặt, các nhà công nghiệp quân sự muốn đánh Iraq ngay trong mùa thu này hoặc muộn hơn vào mùa xuân năm 2003. Một số chuyên gia chính trị ủng hộ chiến tranh nghĩ rằng lật đổ được TT Hussein, uy tín của TT Bush sẽ tăng lên, vượt qua được những khó khăn về kinh tế hiện giờ. Nếu chần chừ, trong cuộc bầu cử lập pháp bán phần vào tháng 11 này, Ðảng Dân chủ có thể thắng thế chiếm luôn đa số ở hạ viện. Và như thế, quốc hội sẽ nằm trong vòng kiểm soát của Ðảng Dân chủ, gây rất nhiều khó khăn cho TT Bush.
Tuy nhiên, các tỉ phú dầu lửa Mỹ lại không muốn làm khuấy động các mỏ dầu ở Trung Ðông mà Iraq là một nước xuất khẩu dầu thô quan trọng. Phe phái các tỉ phú dầu lửa rất mạnh trong chính quyền ông Bush.
Cuối cùng là thái độ của các nước đồng minh của Mỹ. Ở châu Âu, hầu hết các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đều không ủng hộ các kế hoạch tấn công của Mỹ. Ngay Thủ tướng Anh, được coi là đồng minh vô điều kiện của TT Bush, cũng chỉ muốn đóng vai trò “môi giới”. Phần còn lại của thế giới như các nước Ả Rập, Hồi giáo, Nga, Trung Quốc v.v... đều chống đối mọi mưu toan lật đổ TT Hussein của Mỹ.
Từ các điểm nêu trên, Claude Allegre - bình luận viên tuần báo L ‘Express (Pháp) - kết luận: “Vì sự cân bằng ở Trung Ðông, vì mối quan hệ các nước phương Tây với thế giới Hồi giáo, chúng ta phải nói: “Không! Chiến tranh Iraq không được xảy ra!”.