Chiến tranh ở iraq hại kinh tế Mỹ

Chi tiêu quân sự khổng lồ của quân đội Mỹ ở Iraq đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào? Đài truyền hình CNN và Công ty Nghiên cứu dư luận (ORC) tháng 3 vừa qua cho biết, có đến 71% những người được hỏi tin rằng việc chính phủ đổ cả trăm tỉ USD vào chiến trường Iraq trong 5 năm qua là nguyên nhân của những rối ren về kinh tế hiện nay ở Mỹ

Cuộc thăm dò dư luận do đài truyền hình CNN và Công ty Nghiên cứu dư luận (ORC) thực hiện từ ngày 14-3 đến 16-3-2008 với 1.019 người chọn lọc từ khắp các vùng nước Mỹ. Thực hiện đúng vào thời điểm kỷ niệm 5 năm cuộc chiến Iraq, đa số người Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ trên đà suy thoái hiện nay là do một phần chi tiêu quá lớn của chính phủ trong cuộc chiến Iraq. Cuộc chiến này chưa biết đến bao giờ mới đạt được mục tiêu ban đầu là đem lại hòa bình, dân chủ cho nhân dân Iraq.

Muốn rút quân sớm

Kết quả thăm dò nói trên cũng cho thấy tỉ lệ người ủng hộ cuộc chiến mà chính phủ đang tiến hành ở Iraq đã rớt thê thảm, chưa đến 32% trong khi tỉ lệ người chống chiến tranh Iraq đã tăng hơn 66%. Chỉ có một số rất ít không bày tỏ chính kiến.

61% những người được hỏi còn mong muốn tân tổng thống Mỹ rút quân ở Iraq về nước “trong vài tháng sau khi nhậm chức”. Chỉ có 36% đồng ý rằng cuộc chiến Iraq đáng được kéo dài, giảm 32% so với 5 năm trước.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, có hai vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhất. Đó là chiến tranh Iraq nay đã bước vào năm thứ 6 và nền kinh tế mà dân Mỹ tin rằng đã bước vào thời kỳ suy thoái.

Đầu tháng 3-2008, nhật báo The Washington Post đã đăng một bài xã luận của hai nhà kinh tế lỗi lạc Mỹ là giáo sư Joseph E. Stiglitz, giải Nobel Kinh tế, nguyên chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu tổng thống Bill Clinton và bà Lynda J. Bilmes, giáo sư Trường Đại học Harvard. Trong bài viết của mình cả hai khẳng định rằng chi phí quân sự ở Iraq và chính sách cắt giảm thuế của chính phủ ông Bush là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay. Họ đồng thanh kêu gọi chấm dứt hoặc ít nhất giảm nhanh cuộc chiến thì mới mong cứu vãn nền kinh tế nước nhà.

Tăng gấp 60 lần mức dự trù

Khi bắt đầu cuộc chiến Iraq lật đổ tổng thống Saddam Hussein, tổng thống Bush dự báo chỉ tốn khoảng 50-60 tỉ USD. Thực tế cho thấy chi phí quân sự ở Iraq đã tăng gấp 50-60 lần nhiều hơn. Ở điểm này có một chi tiết khá thú vị.

Theo giáo sư Stiglitz, lúc đầu chính quyền ông Bush không quan tâm lắm đến chi phí cuộc chiến. Nhà Trắng trấn an dân chúng rằng bản thân cuộc chiến ắt tìm ra nguồn chi như tài nguyên dầu lửa của Iraq chẳng hạn. Nhưng khi Larry Lindsey, trưởng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, tuyên bố rằng chi phí sẽ vào khoảng 100 tỉ đến 200 tỉ USD thì ông này sau đó bị cách chức ngay vì dám nói thật. Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Donald Rumsfeld đưa ra con số 50- 60 tỉ USD mà thôi. Rõ ràng con số này nay đã quá lỗi thời. Giáo sư Stiglitz ước tính phải hơn 3.000 tỉ USD vì phải tính thêm chi phí thuốc men và an sinh cho lính. Đó là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng tín dụng đang đe dọa không chỉ nền kinh tế nước Mỹ mà còn cả thế giới.

So với thế chiến thứ hai, chi phí cuộc chiến Iraq đứng hàng thứ hai. Nhưng càng kéo dài thì tác hại của nó lên nền kinh tế Mỹ càng nghiêm trọng.

img
Giáo sư Joseph Stiglitz

Hai chuyên gia kinh tế khác – Robert Pollin, giáo sư kinh tế và tiến sĩ kinh tế Heidi Garret-Peltier thuộc Trường Đại học Massachussetts – cũng đã phân tích vấn đề trên tờ The Nation như sau :

“Từ lâu không còn nghi ngờ gì nữa, chiến tranh Iraq là một thảm họa về tinh thần và chiến lược của Mỹ. Nhưng còn một sự thật khác chưa được nhìn nhận hoàn toàn: Đó cũng là một thảm họa về kinh tế. Tính đến bây giờ, chính phủ đã chi hơn 522 tỉ USD cho cuộc chiến, chưa kể 70 tỉ USD đã được quốc hội thông qua trong năm 2008”.

Thủ tiêu công ăn việc làm

Theo các tác giả bài báo, chi phí ở Iraq cũng là một “sát thủ” đối với công ăn việc làm. Mỗi tỉ USD đầu tư cho giáo dục, y tế, năng lượng, cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra từ 50% đến 100% việc làm nhiều hơn số tiền đó chi vào cuộc chiến Iraq. Cụ thể, 138 tỉ USD ngân sách chiến tranh ở Iraq trong năm 2007 đồng nghĩa với 1 triệu việc làm đã bị đánh cắp vì chính phủ đầu tư vào lỗ trũng Iraq.

Chính phủ Mỹ đã chi cho ngân sách quốc phòng 572 tỉ USD trong năm 2007. Có nghĩa là mỗi công dân Mỹ phải đóng góp 1.800 USD, tức 8 lần nhiều hơn ngân sách giáo dục và nhiều hơn GDP của Thụy Điển và Thái Lan gộp lại.

Tính từ ngày Tổng thống George W. Bush lên cầm quyền, đặc biệt sau sự kiện 11-9-2001, ngân sách quân sự Mỹ đã tăng từ 3% GDP lên 4,4%. Mức chênh lệch, tính bằng tiền, lên đến 134 tỉ USD. Phần lớn chênh lệch này liên quan đến cuộc chiến Iraq.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách Mỹ hồi đầu năm ngoái cũng nói chi phí quân sự ngày càng lớn của cuộc chiến Iraq dẫn đến việc làm ít hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhiều.

Công ty dự báo kinh tế Global Insight khẳng định rằng trái với thế chiến thứ hai (nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh sau khi kết thúc chiến tranh), trong 6 năm qua, chi phí quân sự ở Iraq đã tác động một cách tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Cụ thể là việc làm ít đi, mua sắm cũng ít đi, lãi suất cho vay cao.