Chớ nên quên bài học “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” năm 1964

Kế hoạch của Mỹ tấn công Iraq để loại bỏ Tổng thống (TT) Saddam Hussein đang bị cả thế giới lên án.

Lý lẽ do chính quyền Bush đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lược thật hết sức ngang ngược, từ chỗ kết tội Iraq chứa chấp quân khủng bố Al-Qaeda đến kết luận TT Iraq là mối đe dọa (?) thế giới bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt nên cần phải bị loại bỏ.

Sau khi chính quyền Baghdad đồng ý để phái đoàn thanh sát vũ khí Liên Hiệp Quốc (LHQ) trở lại Iraq tiếp tục làm nhiệm vụ như Mỹ trước đây từng đòi hỏi, đích thân TT Mỹ Bush vẫn khăng khăng từ chối và một mực đòi hỏi LHQ phải sớm thông qua nghị quyết cho phép Mỹ tấn công Iraq. Bài diễn văn ngày 7-10 của ông Bush là sặc mùi chiến tranh, vừa đòi hỏi Quốc hội Mỹ trao quyền phát động chiến tranh vừa thúc ép Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua ngay nghị quyết tấn công Iraq. Nhưng có một trở ngại mà trước mắt Mỹ chưa thể vượt qua là trong số 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ chỉ có Anh hết lòng ủng hộ, còn 3 nước Pháp, Nga và Trung Quốc, với các mức độ khác nhau, đều phản đối yêu sách của Mỹ. Các nước này đều đòi hỏi vấn đề Iraq phải ưu tiên giải quyết bằng biện pháp chính trị. Tờ báo Ai Cập The Egyptian Gazette nhận xét rằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ đang được áp dụng để không có phiếu phủ quyết tại HĐBA LHQ.

Ngay tại nước Mỹ, chính quyền Bush không thể phớt lờ tiếng nói của người dân. Cuộc điều tra của Viện Gallup cho thấy chỉ có 37% người Mỹ ủng hộ hành động đơn phương tấn công Iraq. Ngay cả cựu TT Mỹ Jimmy Carter cũng phải đau đớn thừa nhận: “Giờ đây nước Mỹ chúng ta đang trở thành đối tượng chỉ trích của cả thế giới. Một cuộc chiến tranh đơn phương chống Iraq không phải là giải pháp vì Baghdad không trực tiếp đe dọa Mỹ. Những hành động đơn phương ngày càng cô lập nước Mỹ trong khi chúng ta rất cần có sự ủng hộ trong cuộc chiến chống khủng bố”. Ông Carter ngán ngẩm nói: “Những lời lẽ hiếu chiến và lạc điệu dường như đang ngự trị tại Washington” (trả lời phỏng vấn tạp chí Jeune Afrique).

Chính quyền Bush kiếm cớ tấn công Iraq đã khiến một số chính khách lão thành Mỹ nhớ lại cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” do chính quyền Johnson dựng ra năm 1964 để mở rộng chiến tranh Việt Nam mà hậu quả thất bại chắc chắn người Mỹ chưa thể nào quên. Trong bài viết nhan đề “Một bài học nữa cần phải học” đăng trên Washington Post, giáo sư Lionel Bauman của Trường Đại học Maryland (năm 1964 là trợ lý cho thượng nghị sĩ Gaylord Nelson) viết: “Cũng như chính quyền Johnson năm 1964 tuyệt vọng tìm “lý do” để mở rộng chiến tranh Việt Nam, giờ đây chính quyền Bush cũng đang cố tìm lý do để gây chiến (ở Iraq). Chính quyền Johnson năm xưa đã lợi dụng nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ để biện minh cho việc mở rộng chiến tranh Việt Nam. Đến nay chúng ta thừa biết những sự kiện nêu trong nghị quyết của quốc hội khi đó là không có thực hoặc dựng đứng. Vậy mà giờ đây chúng ta lại đối mặt với một chính quyền nữa đang đòi quốc hội thông qua một nghị quyết tiến hành chiến tranh mới... Bài học về nghị quyết Vịnh Bắc Bộ là quá rõ, không thể để tái diễn cho một chính quyền hiếu chiến muốn làm gì thì làm”.

Báo The Christian Science Monitor viết: “Những biểu tượng hòa bình, những khẩu hiệu chống chiến tranh và tiếng hô của hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ chống Iraq vang lên từ Washington đến Rome, từ London đến Sydney trong những ngày qua làm cho chúng ta nhớ lại làn sóng biểu tình sôi sục phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước đây”. Ký ức không đẹp này chắc chắn người Mỹ vẫn không thể quên và càng khắc sâu nỗi đau nếu Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.