Chốn quan trường không có chỗ cho người dưng?

Khái niệm "gia đình chủ nghĩa" chính thức xuất hiện từ thời Trung cổ nhưng gốc rễ của nó thực ra đã có từ thuở bình minh của nhân loại. Các nhà sinh vật học còn khẳng định: Việc xả thân để duy trì nòi giống là một đặc tính quan trọng của động vật, dù là loài côn trùng nhỏ bé như con ong, cái kiến...

Quan hệ cha con lạnh nhạt, thù địch

Tuy nhiên, cùng với gien "xả thân" các nhà khoa học cũng nói đến gien "ích kỷ" như hai mặt muôn thuở của đời sống. Thời Hy Lạp cổ đại, mối xung đột thế hệ cực kỳ khốc liệt. Quốc vương Uran đã từng đày con cái đi xa để đề phòng sự phản trắc. Nhưng Kronos, một trong những đứa con ấy, sau này đã quay về thiến cha mình rồi quẳng ông xuống biển. Sau khi chiếm ngôi, đến lượt mình Kronos lại thiêu sống những đứa con mới lọt lòng của mình để trừ hậu họa. Nhưng Zevs, một người con may mắn được cứu sống, khi trưởng thành, đã tiến hành một cuộc đại chiến lật đổ cha.

Đến thời La Mã, mối quan hệ gia đình vẫn xuyên suốt bộ máy nhà nước. Cộng hòa La Mã là tập đoàn thống trị với quyền hành nằm trong tay khoảng một chục dòng họ danh tiếng. Đứng đầu mỗi dòng họ là một quân vương nắm giữ toàn bộ quyền hành. Khi người cha còn sống thì đứa con trai dù đã trưởng thành vẫn hoàn toàn bị phụ thuộc, anh ta không được tự ý kết hôn, không được sở hữu một tài sản riêng nào. Nếu con trai khiến người cha không hài lòng anh ta có thể bị tước quyền thừa kế. Vì vậy, nét đặc trưng trong quan hệ cha con ở đây là sự lạnh nhạt, đôi khi tiềm ẩn mối thù địch.

Con vua thì lại làm vua

Napoléon I, nổi tiếng là một người cực kỳ thành công và kiên định với tư tưởng gia đình chủ nghĩa. Napoléon đã đưa anh trai cả là Joseph lên làm hoàng đế Naples, rồi sau đó là Tây Ban Nha; người em trai khác là Louis thì làm vua Hà Lan; người em út Jérôme - hoàng đế xứ Westphalia; em gái Elisa trở thành quận chúa Toscane; em gái Pauline thì được gả cho tướng Leclerc (sau khi vị tướng này qua đời, Pauline trở thành phu nhân công tước Camille Borghèse). Một em gái nữa của Napoléon là Caroline thì lấy nguyên soái Joachim Murat, người sau này thay Joseph làm vua xứ Naples. Bogarne Evgheni - con trai của Napoléon với Josephine thì trở thành phó vương Ý; cô con gái riêng Gortenzia thì làm hoàng hậu Hà Lan. Sau khi ly hôn với Josephine, Napoléon kết hôn với công chúa nước Áo Marie Luise. Người con trai của cuộc hôn nhân thứ hai là Joseph-Charles Naponeon II khi vừa chào đời đã được nhận tước vị hoàng đế La Mã. Năm 1814, trước khi bị đưa ra đảo Elba, Napoléon đã đòi một khoản lợi tức rất hào phóng cho những người thân của mình.

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng giả thuyết về sự nghèo khó mà Napoléon phải nếm trải thời thơ ấu, về việc ông thành đạt chỉ là nhờ vào nỗ lực của bản thân là chuyện hoang đường. Cả hai vị thân sinh ra ông đều là thuộc dòng dõi trâm anh và được tướng Marbioph, toàn quyền đảo Corse lúc đó, rất ưu ái. Về sau Napoléon còn được bao bọc bởi các anh em trai, những người giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chính biến 18 Sương Mù.

Tinh thần gia đình chủ nghĩa

img
Lenin và Staline

Thời hiện đại, hiện tượng "ô dù" vẫn phát triển không ngừng. Một thời, quanh các quan chức nước Nga người ta thấy toàn bà con ruột thịt của họ và chính điều này đã góp phần đẩy nước Nga đến chỗ suy sụp. Lênin và Crupskaya không có con và họ hàng của vị lãnh tụ này chỉ giữ những vị trí phù hợp với khả năng khiêm tốn của mình.

Còn Staline, với tính cách cứng rắn, hoàn toàn không phải là người ưa bao bọc người thân. Ngược lại, ông còn tỏ ra nghiệt ngã trong mối quan hệ phức tạp, đầy giông bão với người con trai cả Iacov. Vì phải lòng người mẹ kế Hadezda Allilueva (chỉ hơn anh vài tuổi) mà Iacov đã dùng súng để tự sát. Nhưng sự việc bất thành và người cha đa nghi của anh khi đó chỉ cười gằn, nói: "Không trúng à!". Trong thời gian chiến tranh, Iacov bị bắt làm tù binh, nhưng Staline đã từ chối lời đề nghị của phía Đức: Đổi Iacov lấy thống soái Pauliut. Ông trả lời: “Tôi không đổi một vị tướng để lấy một người lính”. (Thực ra Iacov không phải là "lính", anh là đại úy, giữ chức tiểu đoàn trưởng).

Một người con trai khác của Staline, Vasili, mới 26 tuổi đã trở thành trung tướng, nhưng cũng chẳng hề được Staline ưu ái. Vasili cũng không cần đến "ô dù” của bố. Là phi công hay trên cương vị một người chỉ huy anh đều tỏ ra xuất sắc và người ta cứ tự nguyện giúp đỡ anh. Bản thân Staline đã không chỉ một lần giáng chức Vasili, như năm 1952, anh đã bị cách chức chỉ huy ở quân khu Matxcơva. Vợ Vasili cũng từng bị bắt và giam trong trại vài năm.

Nhưng Staline "siết ốc vít" chặt bao nhiêu thì Khrusev lại nới lỏng chúng bấy nhiêu. Dưới thời Khrusev, nước Nga nghiêng hẳn về phía đối lập với sự khổ hạnh kiểu Staline. Nó dữ dội đến mức mất cân bằng và căn bệnh "ô dù" bắt đầu nở rộ. Một trong những việc làm của Khrusev được xem như giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly kiên nhẫn của các đồng nghiệp của ông trong ban chấp hành TW là ông tìm mọi cách đưa anh con rể là nhà báo Alecsei Adjubei vào TW. Làn sóng công phẫn việc Khrusev đề bạt người thân một cách vô tội vạ rồi cũng qua nhanh khi mà chính những người công phẫn đến lượt mình lại được quyền cất nhắc người nhà của họ.

Trong giai đoạn cầm quyền kéo dài của Breznev, tinh thần gia đình chủ nghĩa đã đặt nền móng cho đủ loại tổ chức mafia phát triển. Đường công danh huy hoàng không chỉ đến với người nhà Breznev (con trai Iuri và con rể Trurbanov đều là thứ trưởng) mà cả các nhân viên cũ của ông (như trường hợp Trernenko trở thành chánh văn phòng điện Kremli).

Nạn "ô dù" - thói gia đình chủ nghĩa chính là những thứ đã góp phần gây nên sự đổ vỡ của Liên Xô.