Chống ma túy tại khu Tam Giác Vàng (*) - Bộ mặt thật của trùm ma túy Ngụy Học Khang (Tiếp theo và hết)

Cảnh sát và các chuyên gia phòng chống ma túy Thái Lan không lạ gì trùm ma túy Ngụy Học Khang. Y bị phát hiện có 2 thẻ tùy thân giả người Thái, có nhà riêng ở Chiang Mai, Chiang Rai và ngay cả ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ngụy dùng những đồng tiền buôn bán ma túy đầu tư kinh doanh ở Chiang Mai và Chiang Rai.

Sau nhiều lần bắt hụt, giữa tháng 11-1988, cảnh sát Thái Lan mới bắt được Ngụy khi y đến thăm vợ bé là người Thái và con trai mới sinh trong một làng ở ngoại ô Chiang Mai. Ngụy bị buộc tội tổ chức chuyến buôn lậu 680 kg heroin bị tịch thu trong cuộc vây ráp ở ngoài khơi tỉnh Prachuab Khiri Khan, cách Bangkok 400 km về phía Nam. Trong cuộc vây ráp này, Ngụy trốn thoát, nhưng các đàn em khai y là chủ mưu.

Cuối năm 1988, Ngụy Học Khang bị tòa án hình sự Thái Lan kết án tử hình. Y chống án. Trong thời gian chống án, Ngụy trốn khỏi một nhà tù ở Bangkok, sau đó một số cảnh sát bị bắt vì nhận những khoản tiền hối lộ lớn để y thoát thân. Ngày 24-10-1990, Tòa Phúc thẩm Thái Lan xử vắng mặt Ngụy, y án tử hình. Lúc này Ngụy Học Khang đã trở về vùng dân tộc Vạ ở Myanmar, nơi y đã sống từ thời trẻ và bắt đầu xây dựng đế chế ma túy của y. Vậy Ngụy Học Khang là ai?

Ngụy Học Khang  sinh năm 1946 tại Vân Nam (Trung Quốc), mẹ là người dân tộc Vạ, cha người Hán đi lính Quốc dân Đảng. Năm 1949, nước CHND Trung Hoa ra đời, Ngụy Học Khang  mới 3 tuổi. Cha mẹ y cùng nhóm tàn quân Quốc dân Đảng chạy sang bang Shan của Myanmar, cư trú tại thị trấn Vingun vùng dân tộc Vạ.  Ngụy Học Khang lớn lên trong cộng đồng người Vạ, hiểu rõ người địa phương và tàn quân Quốc dân Đảng sống bằng nghề sản xuất và buôn bán ma túy như thế nào.

Trưởng thành,  Ngụy Học Khang có tham vọng làm chính trị, tìm thầy, kiếm bạn để kết bè đảng. Khi tàn quân Quốc dân Đảng lụi tàn, Ngụy bắt tay liên minh với Khun Sa, thủ lĩnh nhóm Quân đội Thống nhất bang Shan (SUA) kiêm trùm ma túy của khu vực. Tham vọng quyền lực của Ngụy không có điểm dừng, khi có địa vị trong lực lượng SUA, y đã xung đột với trùm Khun Sa  trong kinh doanh để tranh quyền đoạt vị. Khun Sa loại bỏ Ngụy, rồi bản thân bị bắt, còn Ngụy trốn thoát đến cuối năm 1988 mới bị cảnh sát Thái Lan bắt.

Sau khi trốn khỏi Thái Lan về Myanmar, Ngụy Học Khang  tham gia lực lượng phiến quân dân tộc Vạ hoạt động dọc biên giới Thái Lan và tổ chức đường dây lớn buôn lậu ma túy cạnh tranh với Khun Sa. Năm 1989, người Vạ thành lập Đảng Thống nhất bang Vạ (UWSP) và quân đội bang (UWSA) có sự tham gia tích cực của  Ngụy Học Khang.  Chính nhóm phiến quân UWSA là ổ sản xuất lớn methamphetamine dọc biên giới để tuồn sang Thái Lan và Trung Quốc (TQ). Ngụy nắm giữ nguồn tài chính của UWSA thu gom từ buôn bán ma túy.  UWSA đã trở thành tổ hợp sản xuất ma túy lớn nhất của khu Tam Giác Vàng.

Sau khi chính phủ Myanmar ký hiệp định đình chiến với các nhóm phiến quân UWSA của Ngụy và SUA của Khun Sa,  Ngụy Học Khang đã lợi dụng hiệp định này để triệt hạ uy thế của SUA bằng cách liên minh với quân chính phủ, ủng hộ tiền bạc dưới danh nghĩa nộp thuế kinh doanh. Quân đội Myanmar đã lợi dụng UWSA của Ngụy Học Khang để làm suy yếu thế lực của Khun Sa.

Bước ngoặt nữa trong tham vọng của Ngụy Học Khang là để giành được quy chế tự trị, người dân tộc Vạ đã thỏa thuận với quân đội Myanmar tham gia chiến dịch truy quét Khun Sa và lực lượng vũ trang SUA của y. Kết quả là Khun Sa bị bắt năm 1996, cho đến nay vẫn bị giam tại Rangoon để chờ ngày ra tòa. Sau khi trừ được đối thủ Khun Sa, Ngụy Học Khang trở thành tướng có thế lực của lực lượng UWSA và là ủy viên Ban Chấp hành Đảng UWSP. Ngụy khoe đã đạt được sự thỏa thuận ngầm với phe quân đội Myanmar sẽ tiếp tục kinh doanh ma túy đến năm 2007 (?). Nhưng Chính phủ Myanmar, do yêu cầu phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong cuộc đấu tranh chung chống ma túy trong khu vực, đã không còn “nương nhẹ” Ngụy  Học Khang nữa, và y đang bị quản thúc tại Rangoon. Số phận y sẽ ra sao và sau Ngụy Học Khang trùm ma túy nào lên thay vẫn còn là một câu hỏi.

Hiền Lương (Theo Bangkok Post)

(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 7-8-2003