Chủ tịch Trung Quốc lần đầu đến Tân Cương

(NLĐO) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định cảnh sát chính là “nắm đấm và dao găm” trong cuộc chiến chống khủng bố khi ông lần đầu tiên đến thăm khu tự trị Tân Cương.

Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đến Tân Cương kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc.

Tại đây, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo mối đe dọa về an ninh gia tăng tại Trung Quốc theo sau một loạt vụ tấn công chết người, trong đó có vụ tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh hồi tháng 3 khiến 29 người chết và 140 người bị thương. Theo nhà chức trách Trung Quốc, những kẻ cầm dao tấn công chính là các phần tử ly khai đến từ Tân Cương.

 

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm hỏi lực lượng cảnh sát ở Tân Cương. Ảnh: Twitter
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm hỏi lực lượng cảnh sát ở Tân Cương. Ảnh: Twitter

 

“Vùng Kashgar sẽ là tiền tuyến trong hoạt động chống khủng bố và duy trì ổn định xã hội. Tình hình ở đây khá tồi tệ và phức tạp. Vì vậy, cảnh sát địa phương chính là nắm đấm và dao găm” - Ông Tập nói với cảnh sát tại thành phố Kashgar, trung tâm của sự bất ổn.

Chủ tịch Trung Quốc nói thêm: “Chúng ta phải có các công cụ hiệu quả nhất để đối phó với những kẻ khủng bố bạo lực. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn trong thời bình để ít đổ máu hơn trong thời chiến”.

Người dân sống ở Tân Cương đa phần là người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo. Tình trạng bất ổn ở Tân Cương khiến hơn 100 người thiệt mạng trong năm qua, đồng thời dẫn đến việc chính quyền Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Ông Tập cũng đã kêu gọi đoàn kết dân tộc và khuyến khích học sinh nên học cả tiếng Hán lẫn tiếng Duy Ngô Nhĩ. “Học cả hai ngôn ngữ không những sẽ làm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm mà quan trọng hơn nó còn sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy đoàn kết dân tộc”, chủ tịch Trung Quốc khuyên bảo các học sinh và giáo viên khu vực này.

Chính phủ Trung Quốc cáo buộc các phần tử Hồi giáo cực đoan và những người ly khai Duy Ngô Nhĩ đã gây ra tình trạng bạo lực ở Tân và muốn thành lập nhà nước độc lập Đông Turkestan. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ cho rằng họ bị khước từ cơ hội về kinh tế và chính phủ Trung Quốc đã “áp đặt” lên cả tôn giáo và văn hóa của họ.