Chuyển giao quyền lực kiểu Mỹ

Chỉ đến trưa 20-1-2009, tổng thống (TT) vừa đắc cử mới chính thức kế nhiệm TT George W. Bush, sau một khoảng thời gian chuyển giao quyền lực kéo dài đến hơn 70 ngày. Trong khoảng thời gian đó, ông Obama được gọi là “TT mới đắc cử” và được cơ quan an ninh bảo vệ cẩn mật cùng với gia đình giống như TT hiện nay

TT sắp mãn nhiệm mang một biệt danh “chú vịt què” và biệt danh này càng thích hợp hơn khi ông Bush chỉ có 20% dân chúng ủng hộ.

Sẽ không có khoảng trống quyền lực nào và TT tương lai đã sẵn sàng để lãnh đạo đất nước ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức. Nhưng cho đến ngày 20 -1- 2009, quyền lực vẫn nằm trong tay TT Bush. Theo truyền thống dân chủ của Mỹ, TT sắp ra đi sẽ tham khảo ý kiến người kế nhiệm, nhưng sẽ không có chuyện cả hai cùng lèo lái đất nước.

Ông Bush sẽ tham gia hội nghị quốc tế về việc vực dậy hệ thống tài chính ngày 15-11. “Chúng ta sẽ chỉ có một TT cho đến ngày 20-1 khi TT mới đọc lời tuyên thệ” - ông Obama đã giải thích như thế. Ông nói tiếp với người Mỹ: “Các bạn biết rằng có một giai đoạn chuyển giao và tôi không muốn đi quá nhanh”.

Trong hệ thống quyền lực của Mỹ, 4.000 vị trí cấp cao sẽ thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ, trong đó có 1.000 vị trí cần được Thượng viện thông qua. Thực tế là ngay trước cuộc bầu cử, các nhóm vận động tranh cử của cả hai ứng viên đều đã bắt đầu chọn lựa những người hợp tác thân cận để đưa vào các vị trí chủ chốt sau này.

Bên phía ông Obama, các bộ trưởng Dân chủ thời Clinton đều mong muốn được lựa chọn. Các chuyên gia và giáo sư cũng vậy. Họ đã gởi lý lịch và thư cho nhóm người thân cận với ông Obama. Và Washington đã trở thành trung tâm của các tin đồn về những người có thể được lựa chọn. Ông Bush cũng đã cho thành lập một hội đồng cố vấn phụ trách việc chuyển giao nhằm tạo điều kiện cho quá trình này diễn ra được suôn sẻ.

Nhưng hiện nay còn một vấn đề. Đó là Quốc hội Mỹ chưa thông qua ngân sách dự kiến cho việc chuyển giao quyền lực. Ông Obama cho biết sẽ kêu gọi các quỹ tư nhân hỗ trợ cho việc này, khoảng 9 triệu USD.