Con gấu bông mặc áo ông già Noel

Đó là một vật bí ẩn nằm bên cạnh thi thể bé JonBenet Ramsey bởi vì cha mẹ của bé nói con gấu không phải của nạn nhân. Tuần qua, con vật này lại gây chú ý bởi trong các bức ảnh mà nghi can John Mark Karr gửi cho giáo sư Michael Tracey qua e-mail có một bức chụp một cậu bé cầm trong tay một con gấu bông trắng mặc áo ông già Noel y hệt. Đây có phải là bằng chứng có thể kết tội Karr?

Theo báo Rocky Mountain News, thay vì làm sáng tỏ vụ án, bức ảnh nói trên càng làm cho vụ án tăng phần bí ẩn. Đầu tiên, giáo sư Tracey dạy khoa báo chí Trường Đại học Colorado - người đã trao đổi e-mail (thư điện tử) với John Mark Karr suốt 4 năm qua – từ chối bình luận về tấm ảnh và cũng không xác nhận cậu bé trong ảnh có phải là Karr hay không. Kế đó, các nhà điều tra vụ án “Hoa hậu nhi đồng” cách đây nhiều năm xác nhận đã tìm ra nguồn gốc con gấu bông. Đó là phần thưởng dành JonBenet Ramsey khi đăng quang hoa hậu vùng Denver vào ngày 14-12-1996, tức 2 tuần trước khi bé bị giết chết.

Thế nhưng tại sao cha mẹ của JonBenet nói không biết gì về con gấu? Và tại sao Karr gửi cho giáo sư Tracey bức ảnh cũng có con gấu bông giống hệt? Đây không phải là hành vi duy nhất của Karr tự làm khó mình trong vụ án JonBenet Ramsey. Thông qua e-mail, Karr còn bộc lộ nhiều lời nói và hành vi khiến người ta nghi ngờ y là thủ phạm giết bé JonBenet.

Tình yêu của tôi

Trong 4 năm trao đổi e-mail, Karr cho thấy mình là một người hết sức quan tâm đến các vụ án giết người liên quan đến các cô bé tuổi nhỏ. Đặc biệt, y rất chú ý đến hoa hậu nhi đồng JonBenet mà Karr từng gọi là “tình yêu của tôi, lẽ sống của tôi. Tôi yêu em và mãi mãi yêu em. Tôi cầu nguyện cho em có thể nghe giọng nói của tôi gọi em từ bóng tối sâu thẳm, cái bóng tối chia cách đôi ta” (e-mail đề ngày 23-12-2005). Trong một e-mail khác, Karr viết: “Đôi khi những cô bé gần gũi với tôi hơn cha mẹ hoặc bất cứ người nào khác. Khi tôi nói tôi là người bạn thân nhất của JonBenet thì bây giờ có lẽ giáo sư đã hiểu”. Karr còn yêu cầu giáo sư Tracey viếng thăm căn nhà cũ của nhà họ Ramsey và đọc to bài thơ của y nhan đề “JonBenet, tình yêu của tôi”. Theo giáo sư Tracey, rõ ràng Karr là một kẻ thích làm tình với trẻ em nhưng ông không chắc y là thủ phạm giết chết JonBenet.

img
Cha mẹ của JonBenet từng hứa thưởng 100.000 USD cho ai cung cấp thông tin về thủ phạm giết con mình. Bà Patsy Ramsey (bìa phải) đã chết cách đây 2 tháng vì ung thư

Chính những e-mail kiểu trên đã dẫn tới việc John Mark Karr bị bắt tại Thái Lan. Và ngay sau đó, Karr tự nhận là kẻ đã giết JonBenet. Tướng Suwat Tumrongsiskul, một quan chức cao cấp của cảnh sát di trú Thái Lan, tuyên bố Karr thú nhận đã dùng thuốc mê khống chế JonBenet và thực hiện hành vi dâm ô. Tướng Suwat cũng nói Karr đã thú nhận bắt cóc JonBenet tại trường để lấy tiền chuộc 118.000 USD của cha mẹ bé JonBenet. Tuy nhiên, Karr đã bóp cổ nạn nhân sau khi kế hoạch chuyển sang hướng khác.

Phát biểu trước báo chí hồi tuần qua, Karr nói: “Tôi rất hối tiếc với những gì xảy ra đối với JonBenet. Đối với tôi có một chuyện rất quan trọng mà ai cũng biết là tôi rất yêu bé và cái chết của bé là một tai nạn”. Khi nhà báo hỏi anh có bị hàm oan không thì câu trả lời của Karr là “không”.

Những gì Karr nhanh nhảu cung khai với cảnh sát Thái Lan như trên làm các nhà điều tra nghi ngờ tình trạng sức khỏe của nghi can. Bởi có nhiều tình tiết trong lời khai của Karr không trùng khớp với thực tế, cho nên người ta nghi ngờ hoặc là Karr nói láo hoặc anh ta mắc bệnh hoang tưởng.

Ví dụ Karr nói dùng thuốc mê để khống chế JonBenet là không đúng vì cuộc khám nghiệm pháp y không tìm thấy thuốc mê hay cồn. Karr thú nhận đã làm tình với bé nhưng hồ sơ pháp y cũng loại trừ chi tiết này. Karr nói bắt cóc JonBenet từ trường đem về nhà nhưng vào ngày ấy nhà trường nghỉ lễ Giáng sinh.

Lara, vợ cũ của Karr, cũng nói chồng cô ở Alabama suốt mùa Giáng sinh 1996 bên cạnh cô và con cho nên không thể gây án ở Colorado. Nata Karr, em trai của nghi can, cũng khẳng định từng ở chung với Karr trong mùa Giáng sinh năm ấy.

Nói dối để nổi tiếng?

Đến nay, tất cả những gì báo chí nói về những lời thú tội của Karr đều lấy từ nguồn cảnh sát Thái Lan, cụ thể từ tướng Suwat Tumrongsiskul. Tuy nhiên, tính chính xác của những lời tuyên bố này cũng không cao bởi ông đã đính chính một số phát biểu của ông trước đó. Đầu tiên là chi tiết chụp thuốc mê trước khi giết bé JonBenet. Kế đó, ông nói chuyện bắt cóc JonBenet không phải do Karr trả lời thẩm vấn mà do ông biết được khi đọc hồ sơ vụ án JonBenet.

Craig Silverman, cựu công tố viên ở Denver, bang Colorado, nhận xét: “Lời thú tội của Karr là phi lý và hoang tưởng. Cho rằng chết vì tai nạn thật là buồn cười. Thật khó mà tưởng được rằng một bé gái bị thủ phạm đập vỡ đầu và dùng dây thừng siết cổ đến tắt thở là một tai nạn”.

Nếu sự thật John Mark Karr không giết hoa hậu nhi đồng JonBenet thì anh ta không phải là người đầu tiên tự khai là kẻ gây án, trong khi thực tế không đúng như vậy. Theo Jim Fischer, nhà phạm tội học Mỹ, động cơ thúc đẩy những kẻ bịa chuyện là bệnh tâm thần hoặc để được nổi tiếng (trường hợp của Karr chỉ cần 15 phút xuất hiện trước báo giới Bangkok đã nổi tiếng như cồn).

Tự nhận mình là thủ phạm để nổi tiếng là chuyện không hiếm ở Mỹ. Năm 1932, con trai của Charles Lindberg – người đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng máy bay một người lái – bị bắt cóc và giết chết. Lập tức có đến 200 người tự xưng là thủ phạm.

Năm 1965, Albert DeSalvo, một kẻ làm việc lặt vặt, đang thọ án tù tử hình trong một vụ án khác bỗng nhiên tự xưng là tên bóp cổ ở Boston bí ẩn từng giết chết 13 phụ nữ. Nhiều chuyên gia nghi rằng tên này âm mưu nổi tiếng để làm oai với các bạn tù hoặc giả điên để thoát án tử hình.

Một vụ án bí ẩn đã 10 năm chưa thể phá án nay có một người mắc bệnh yêu trẻ một cách bệnh hoạn thú tội, nhưng có một số lời khai lại không ăn nhập đâu vào đâu khiến nhiều người nghi ngờ rồi đây kỳ án “hoa hậu nhi đồng” JonBenet có thể lại bế tắc.