11 điệp viên con kiến đã bị theo dõi ở Mỹ 8 năm trời nhưng họ chưa làm được gì để có thể xếp loại là điệp viên kinh điển
Điều gây ấn tượng mạnh trong xì-căng-đan gián điệp Nga vừa qua là số lượng người bị bắt. Thông thường, người ta chỉ bắt giữ một vài gián điệp; còn vụ này, số người bị bắt lên đến cả chục. Đó là việc không thể tưởng.
Trên đây là quan điểm của Edward Lucas, chuyên gia về các nước Trung và Đông Âu, cộng tác viên tạp chí The Economic. Năm 2012, Nhà Xuất bản Bloomsbury sẽ cho ra mắt cuốn sách của ông viết về điệp viên Herman Simm với tựa đề Kẻ phản bội: Câu chuyện chưa biết về điệp viên Nga ở NATO.
Cặp vợ chồng Richard và Cynthia Murphy với hai con gái. Ảnh: TOP NEWS
Những điệp viên “ngủ”
Theo hãng tin Rosbalt (Nga), ông Lucas nói như mỉa mai: Hoặc người Nga tính toán sai điều gì đó hoặc người Mỹ làm việc quá tốt. Theo ông, đa số điệp viên thường là nhân viên các sứ quán hoặc sinh viên, doanh nhân hoặc người làm việc cho các tổ chức phi chính phủ. Họ đến một quốc gia vào một khoảng thời gian nào đó, thường là vài năm, thực hiện nhiệm vụ và sau đó quay về.
Đằng này, những nghi can bị bắt, làm việc cho Cục Tình báo nước ngoài của Nga (SVR), lại sống ở Mỹ rất nhiều năm. Chẳng hạn, có hai người sống ở Mỹ từ thập niên 1990.
Hoạt động gián điệp dạng này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ, nhiều công sức và cả thời gian. Những điệp viên quý giá như thế của ngành tình báo Nga được người Mỹ gọi là “những viên ngọc vua”.
Thế nhưng, những nghi can gián điệp trong vụ này lại không được phép sử dụng tài liệu hoặc thông tin hoàn toàn bí mật. Vậy họ làm gì trong suốt thời gian này? Ông Lucas nhận định có một điều lạ là SVR đã đầu tư những khoản tiền lớn cho một nhóm điệp viên thực tế là không làm gì cả, ngoại trừ gặp gỡ nhau.
Chuyên gia Lucas nhấn mạnh: “Tôi cho rằng hoạt động gián điệp không phải là nhiệm vụ chính của họ. Họ là những điệp viên “ngủ”, những người tạo ra cho mình một vỏ bọc hợp pháp đáng tin cậy. Những người như vậy thường thu thập thông tin cần cho những điệp viên khác đang hoạt động gián điệp thực sự”.
Vicky Pelaez, nghi can gián điệp mới được tại ngoại ngày 1-7. Ảnh: TOP NEWS
Bắt chước James Bond
Với xì-căng-đan này, ngành tình báo nước ngoài của Nga đã mất đi những đôi tai và những đôi mắt. Mặc dù vậy, theo chuyên gia Lucas, những điệp viên thật sự vẫn còn sống nhởn nhơ và đang làm công việc của họ.
Việc phát hiện các điệp viên “ngủ” là một nhiệm vụ rất phức tạp. Thế nhưng, phát hiện họ và phát hiện những điệp viên thông thường là hai điều rất khác biệt nhau.
Vừa qua, báo chí Mỹ đã viết nhiều rằng các phương thức liên lạc mà các nghi can gián điệp Nga sử dụng dường như được lấy từ các trang tiểu thuyết của nhà văn người Anh John le Carré chuyên viết về tình báo hoặc Ian Lancaster Fleming, cha đẻ của nhân vật James Bond huyền thoại.
Trong khi đó, ông Peter Earnest, Giám đốc Bảo tàng Tình báo quốc tế ở Washington, 35 năm làm việc cho CIA, nhận định rằng ông cảm thấy ngạc nhiên về quy mô của mạng lưới gián điệp trên, cũng như hoạt động của nhiều thành viên tham gia hoạt động trong đó.
Ông cho biết ông thực sự không hiểu các điệp viên “Mỹ hóa” này lấy những cái tên giả của người phương Tây để làm gì khi họ phát âm với giọng Nga đặc sệt. Ông tuyên bố: “Một số hành động của họ thực sự làm cho tôi nghi ngờ về việc huấn luyện và tính chuyên nghiệp của họ”.
Cựu điệp viên CIA còn nói ông cũng không hiểu nhiệm vụ của các nghi can trên là gì bởi vì theo các nguồn tin, họ sống ở xa Washington và về cơ bản, chỉ có thể thu thập những tin đồn đăng tải trên internet và đó không hề là bí mật ở Mỹ. Đây lại là một bí ẩn khác nữa trong xì-căng-đan gián điệp nói trên.
Ngoài ra, ông cho biết câu chuyện bắt giữ 10 người ở Mỹ bị buộc tội làm gián điệp cho Nga sẽ được đưa vào bảo tàng của ông. Những phương thức và thiết bị liên lạc được họ sử dụng cũng sẽ trở thành một phần của bộ sưu tập phong phú tại bảo tàng nói trên, vốn dựa trên các sự kiện có thật từ đời sống tình báo.
Những vụ gián điệp Nga nổi bật
- Aldrich Ames, gián điệp Nga đầu tiên bị phát hiện ở Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ, vốn là điệp viên chống tình báo của CIA, bị bắt ngày 21-2-1994 và bị kết án tù chung thân.
- Harold Nicholson, điệp viên CIA kỳ cựu, bị FBI bắt tháng 11-1996 vì bị buộc tội làm gián điệp cho Nga và bị xử 23 năm tù.
- Earl Pitts, đặc vụ FBI, bị bắt tháng 12-1996 vì tội bán bí mật an ninh quốc gia cho Nga với số tiền hơn 224.000 USD từ năm 1987 và bị kết án 27 năm tù.
- David Boone, nhà phân tích tình báo quân đội người Mỹ đã nghỉ hưu, bị bắt tháng 10-1998 vì bị cáo buộc bán bí mật cho Moscow với giá 60.000 USD và bị kết án 24 năm tù.
- Daniel King, sĩ quan hải quân Mỹ, bị bắt tháng 11-1999 vì tình nghi bán dữ liệu cho Moscow.
- George Trofimoff, trung tá tình báo quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, bị bắt tháng 6-2000 và bị buộc tội bán bí mật quân sự cho Liên Xô từ năm 1969.
- Robert Hanssen, đặc vụ FBI, bị bắt tháng 2-2001 vì bị buộc tội bán bí mật cho Moscow trong suốt 15 năm. Tháng 5-2002, anh bị kết án tù chung thân.
- Nathaniel Nicholson, con trai của Harold Nicholson, bị bắt tháng 1-2009 vì bán cho Moscow thông tin chi tiết về việc FBI phát hiện cha anh làm gián điệp cho Nga với giá 35.000 USD.(Theo Kommersant)
Hãng tin RIA Novosti cho biết phiên tòa ngày 1-7 ở New York đã cho phép nghi can Vicky Pelaez đóng 250.000 USD bảo lãnh để được tại ngoại. Thẩm phán nói Pelaez là công dân Mỹ và chưa bao giờ được huấn luyện như một đặc vụ tình báo nước ngoài. |
Kỳ tới: Chiến tranh lạnh trở lại?