Cuộc mặc cả khác thường

Mỹ và Trung Quốc dường như đã đạt được một “cuộc mặc cả khác thường” không lâu sau cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước vào tuần rồi.

Hôm 12-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ không xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ trong lúc Bắc Kinh bất ngờ bỏ phiếu trắng về nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria thay vì cùng Nga phủ quyết như vài lần trước đó. Động thái này lập tức nhận được lời ca ngợi của ông Trump dù sự nhượng bộ của Trung Quốc, nếu có, không mang quá nhiều ý nghĩa bởi nước này biết rõ Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết.

AP nhận định đang có sự thay đổi lớn nhất đối với cam kết tranh cử của ông Trump. Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc giữ giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp để hàng xuất khẩu của mình cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa Mỹ. Dựa vào cáo buộc này, ông Trump lập luận nhiều công ăn việc làm trong nước mất đi vì hàng giá rẻ Trung Quốc đe dọa hoạt động sản xuất của Mỹ. Ông Trump thậm chí cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Dù vậy, chỉ trong ngày 12-4, ông Trump nói “gắn mác” thao túng tiền tệ cho Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho sự hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên (tại cuộc phỏng vấn với báo The Wall Street Jourmal) và rằng Mỹ sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại với những điều khoản “thân thiện hơn” cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh chịu đóng vai trò nào đó trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng (tại cuộc họp báo sau đó ở Nhà Trắng). Đây là bước đi ít thấy đối với một tổng thống Mỹ bởi những người tiền nhiệm của ông Trump hiếm khi gắn kết tranh chấp thương mại hoặc tiền tệ với các vấn đề an ninh quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Florida hôm 7-4 Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Florida hôm 7-4 Ảnh: AP

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên nên không có gì khó hiểu khi Mỹ lâu nay thúc giục Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy kinh tế để ép Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, tên lửa. Dù vậy, hiện chưa rõ Trung Quốc sẵn sàng có thêm động thái gì ngoài biện pháp ngưng nhập khẩu than Triều Tiên - được nhà lãnh đạo Mỹ gọi là “bước đi lớn” tiến tới việc “khuất phục” Bình Nhưỡng.

Đài CNN nhận định thông qua động thái cứng rắn này, Trung Quốc vừa muốn “bịt miệng” những người chỉ trích họ không thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên vừa muốn cải thiện vị thế trong các cuộc thương thảo sau này với Washington.

Ngoài việc bị giảm bớt nguồn thu, Triều Tiên còn có thể mất luôn sự bảo vệ của Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 13-4 dẫn lời một số nhà quan sát quân sự và ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không có nghĩa vụ bảo vệ Bình Nhưỡng trước các cuộc tấn công quân sự khi Bình Nhưỡng đã phát triển vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc và Triều Tiên đã ký Hiệp ước hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau vào năm 1961 khi họ bắt tay chống lại các cường quốc phương Tây. Theo hiệp ước, nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang, bên còn lại phải trợ giúp lập tức, kể cả về quân sự. Tuy nhiên, hiệp ước cũng nhấn mạnh hai nước nên giữ gìn hòa bình và an ninh. Theo giới quan sát, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, đồng thời có thể cũng vi phạm hiệp ước với Trung Quốc.