Đặc khu chống tham nhũng

Cuộc chiến chống tham nhũng được triển khai quyết liệt sau đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ). Trong cuộc chiến cam go này, Quảng Đông được coi là lá cờ đầu vì nhiều lý do, quan trọng nhất vì là tỉnh giàu nhất nước.

Giáo sư Nhiệm Kiến Minh, Khoa Chính trị Trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), giải thích với Trung Hoa nhật báo: “Quảng Đông là tỉnh giàu nhất nước, cũng là tỉnh có tệ nạn tham nhũng trầm trọng nhất. Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu chống tham nhũng của Trường Đại học Thanh Hoa cho thấy Quảng Đông có nhiều vụ tham nhũng nhất trong 30 năm qua. Cụ thể, khoảng 700 vụ với tổng số tiền hơn 800 triệu nhân dân tệ (2.640 tỉ đồng) rơi vào túi hơn 150 quan chức lãnh đạo các cấp”.

Theo Trung Hoa nhật  báo, trong năm nay, 10 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố của Quảng Đông bị đình chỉ công tác để điều tra về tội tham nhũng. Riêng trong tháng 11 có 4 lãnh đạo cấp thị trưởng, phó thị trưởng, bí thư huyện ủy, giám đốc sở công an bị bắt giam, trong đó có phó thị trưởng đặc khu kinh tế Thâm Quyến.

Để làm tốt vai trò lá cờ đầu trong phong trào chống tham nhũng, tháng 2 năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Uông Dương của Quảng Đông đã phát động phong trào “3 chống, 2 xây” (chống tham nhũng, chống hàng giả, chống kinh doanh lừa đảo; xây dựng xã hội hài hòa và xây dựng cơ chế quản lý hợp hiến).
 
Trong phong trào “3 chống, 2 xây” theo kiến nghị của giáo sư Nhiệm Kiến Minh, tỉnh Quảng Đông cần sớm phấn đấu trở thành “đặc khu liêm chính” (chống tham nhũng). Quảng Đông có đặc khu kinh tế Thâm Quyến đầu tiên ra đời năm 1979 theo sáng kiến của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, mở đầu thời kỳ cải cách mở cửa nên tỉnh giàu có này trở thành “đặc khu liêm chính” là hợp logic.

Giáo sư Nhiệm nói với Trung Hoa nhật báo: “Sau hơn 20 năm chống tham nhũng, tệ nạn này vẫn chưa bị loại bỏ trong xã hội. Chúng ta cần có cách nhìn mới và nên khởi đầu từ tỉnh Quảng Đông với kế hoạch trở thành “đặc khu liêm chính” làm gương cho cả nước”.