Dachau, ký ức không phai

Trại tập trung Dachau của Đức quốc xã ở thành phố Munich là một trong những bằng chứng tội ác của phát xít Đức trong thế chiến thứ 2, nay trở thành địa điểm tham quan của du khách quốc tế. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có dịp thăm di tích lịch sử này và ghi lại đôi điều cảm nghĩ

Từ trung tâm thành phố Munich, tôi đi gần 30 phút ô tô để đến Dachau.

Trại tập trung Dachau ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một bức tường, một hàng rào kẽm gai và một con hào sâu. Trên cánh cổng sắt đen hiện rõ dòng chữ tiếng Đức “Arbeit macht frei” (Lao động là tự do)- ra đời từ năm 1933, Dachau không phải là trại tử thần mà chỉ là nơi cải tạo lao động của những kẻ chống đối chế độ phát xít. Chỉ sau một thời gian ngắn, Dachau đã nổi tiếng là một trại tập trung tàn bạo hành hạ tù chính trị và tù nhân chiến tranh bằng lao động khổ sai, đói khát, bệnh tật, chết dần chết mòn cá nhân hoặc tập thể. Tại đây, họ còn là vật thí nghiệm y học cho lực lượng SS của Đức quốc xã.

Trong trại tập trung có một sân rộng 1.000 m2 để tập trung điểm danh tù nhân hằng ngày vào buổi sáng và chiều. Bất kể nắng mưa, mùa hạ nóng bức hay mùa đông lạnh giá, họ phải đứng trong nhiều giờ để được gọi tên. Nếu thiếu người nào, tất cả các tù nhân đều phải nán lại nhiều giờ nữa để bị trừng phạt. Cạnh sân là một hầm boong-ke mật vụ Đức Gestapo dùng để tra khảo tù nhân. Tường của hầm ngầm được thiết kế cách âm để tiếng la hét của tù nhân không lọt ra ngoài. Nối với hầm boong-ke là một hành lang dài giữa hai dãy xà lim, mỗi xà lim rộng khoảng 4 m2 nhốt tù nhân để chịu các nhục hình đánh đập, tra tấn, treo lên trần nhà, thậm chí bị lính SS xả súng cho chết. Trên tường các xà lim vẫn còn những vết đạn lỗ chỗ, vết máu đã khô từ 60 năm trước. Trong một xà lim vẫn còn trưng ảnh chân dung những “sonderhaftlinger” (tù nhân đặc biệt) từng bị giam giữ tại đây. Đó là Richard Stevens, tướng tình báo Anh; Josef Ulc, nhạc sĩ Tiệp Khắc; Gabriel Piquet, Tổng Giám mục Clermont - Ferrand, Pháp.

Thoạt đầu, Dachau dự kiến chỉ giam giữ 5.000 tù nhân, sau đó phải mở rộng để chứa thêm người Do Thái, dân du cư Tây Ban Nha, thậm chí cả những linh mục và mục sư chống đối. Từ năm 1942, tại Dachau có 13 căn nhà dùng làm trạm xá dùng người tù làm vật thí nghiệm y học! Những bệnh thường xuyên của người tù là dịch tả, thương hàn, lao phổi, phù thũng. Các số liệu ghi lại tại đây từ tháng 1 đến tháng 3-1943 đã có 967 tù nhân chết bị các chứng bệnh trên. Dachau đã trở thành nỗi kinh hoàng vì thường xuyên có những vụ tàn sát cá nhân và tập thể. Trong 12 năm tồn tại (1933-1945) tại đây đã có 31.951 người tù bị lính SS giết hại. Nhắc đến Dachau, người ta không thể quên ngôi nhà thiêu xác tù nhân, được xây dựng năm 1940, lúc đầu có 4 lò thiêu, năm 1942 phải mở rộng thêm, mang tên “Nhà X” có thêm 4 lò thiêu nữa và một phòng hơi ngạt, do số vụ tàn sát tập thể tăng lên! Du khách tham quan không nén được sự căm phẫn và ghê tởm khi nhìn những dãy nhà liên hoàn hành hạ tù nhân: cởi bỏ quần áo, tắm rửa, phòng hơi ngạt và cuối cùng là thiêu xác. Dachau còn có trường bắn Hebertshausen để “xử lý đặc biệt” tù nhân chiến tranh. Từ năm 1941 đến 1945, nơi đây đã có khoảng 4.000 binh lính Xô viết bị lính SS tàn sát.

Sau khi thăm trại tập trung Dachau, tôi đã có dịp hỏi một số thanh niên Đức về cảm nghĩ của họ về thời kỳ lịch sử tội lỗi của phát xít Đức. Họ đều lảng tránh, có lẽ muốn giấu đi nỗi đau khôn cùng nên đành câm lặng. Nhưng nhìn chung thế hệ trẻ nước Đức không thể không nhìn thẳng vào sự thật. Bằng chứng là hằng ngày vẫn luôn có những đoàn học sinh trung học đến Dachau nghe giảng về lịch sử.

Rời Dachau, tôi luôn nhớ tới dòng chữ trên tấm bia tưởng niệm viết bằng 4 thứ tiếng Đức, Anh, Pháp và Nga: “Vì những người đã ngã xuống ở nơi đây từ năm 1933 - 1945 để chống Đức quốc xã mà người còn sống hãy đoàn kết lại để bảo vệ hòa bình, tự do và sự kính trọng con người”.

Munich, tháng 2-2006