Đàm phán EU - Anh bế tắc

Cuộc hội đàm về tương lai của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) diễn ra suốt đêm 18-2 và kéo dài sang ngày 19-2 (giờ địa phương) ở Brussels - Bỉ nhưng chưa đạt được bước đột phá nào.

Tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU này, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi các nhà lãnh đạo EU ủng hộ đề xuất cải cách EU mà ông đưa ra. Kết quả này sẽ cho phép ông trở về London vận động người dân ủng hộ nước Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.

 

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 19-2Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 19-2Ảnh: Reuters

 

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh không dễ giải quyết các vấn đề tồn tại. “Lúc này, chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố với báo giới. Bị phản ứng mạnh nhất là đề xuất cho phép Anh giảm phúc lợi dành cho người tị nạn đến từ những nước EU khác trong nỗ lực đối phó làn sóng người nhập cư.

Gây tranh cãi không kém là đòi hỏi EU có cơ chế bảo vệ sử những thành viên không sử dụng đồng euro, trong đó có Anh. Pháp đang đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy chỉnh sửa nội dung dự thảo thỏa thuận EU - Anh để ngăn London có quyền phủ quyết những hành động của các nước sử dụng euro.

Về vấn đề người tị nạn, ông Tusk cho biết EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào đầu tháng 3 để thúc đẩy thỏa thuận đổi viện trợ lấy sự hợp tác nhằm cắt giảm dòng người di cư vào châu Âu. “Chúng tôi đã nhất trí rằng kế hoạch hành động chung với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là ưu tiên và chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để đạt thành công” - ông Tusk phát biểu.