Dựa vào Iran và cái giá phải trả của Assad
(NLĐO) - Sự trợ giúp quân sự của Iran và nhóm Hezbollah đang xoay chiều cuộc chiến ở Syria theo hướng có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng không ai cho không ai điều gì!
Theo các nguồn tin đối lập, Iran đang “bơm” cho chế độ của ông Assad các hỗ trợ quân sự và nguồn tài chính ước khoảng 500 triệu USD/tháng.
Còn trên mặt trận, quân đội trung thành với ông Assad lùi ra sau, sử dụng kho đạn pháo và tên lửa khổng lồ của họ để xuyên thủng hàng rào phòng thủ của phe nổi dậy, tạo điều kiện cho các tay súng địa phương được Iran và Hezbollah đào tạo xông vào chiếm trận địa. Trong một số trường hợp, các chiến binh Hezbollah đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu trên đường phố.

Xe tăng của quân chính phủ xuất hiện tại khu al Khaldia ở TP Homs ngày 27-7. Ảnh: Reuters
Ông Abu Imad Abdallah, chỉ huy quân nổi dậy ở phía nam Damascus, khẳng định chính chiến binh Hezbollah và các tay súng người Shi'ite của Iraq đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến tại khu vực này. “Họ tràn vào sau khi quân chính phủ ném bom. Họ rất kỷ luật và được huấn luyện tốt. Nếu là quân chính phủ thì chúng tôi đã không phải lo lắng” - Abdallah nói.
Với chiến thuật mới này, Hezbollah và Iran ngày càng dính líu trực tiếp vào cấu trúc chỉ huy trong quân đội Syria, chung sức bảo vệ quyền lực cho ông Assad lẫn tộc Alawite của ông này.
Đổi lại, ông Assad đang đối mặt với nguy cơ mất quá nhiều quyền tự quyết vào tay Tehran và xa hơn là trở thành con tốt trên bàn cờ chiến trận giữa 2 dòng Hồi giáo Sunni và Shi'ite.
Nhà hoạt động Fawaz Tello nói ông Assad đã trở thành người thừa hành của Tehran. Còn chuyên gia quân sự người Jordan Mamoun Abu Nawar nhận định nhà lãnh đạo Syria bị buộc phải cúi đầu nghe theo lời Iran. “Assad không còn quyền gọi điện cho các chỉ huy tướng lĩnh và yêu cầu ném bom một khu vực nào đó nữa. Quyền chỉ huy của ông ta đã hao mòn và cấu trúc chỉ huy ở Syria đang đi theo hướng đa quốc gia” - ông Nawar chỉ ra.

Tổng thống Assad bị cho là không còn nhiều thực quyền. Ảnh: Reuters
Thẳng thừng hơn, một nhà ngoại giao trong khu vực nói: “Assad đi hay ở không còn là chuyện quan trọng. Cuộc xung đột sẽ tiếp diễn mà không cần ông ta. Iran đang nắm quyền quyết định”.
Ngoài ra, nhà hoạt động Tello cho rằng sự xuất hiện của Hezbollah là dấu hiệu chứng tỏ sự yếu ớt của chế độ Assad: không còn dựa được vào lực lượng Sunni vốn là nòng cốt của quân đội Syria. “Assad mở đầu cuộc xung đột với khoảng 1 triệu chiến binh, kể cả binh lính chuyên nghiệp và dự bị. Nay ông ta ngày càng phụ thuộc vào lực lượng nước ngoài. Nếu thiếu ngoại binh, ông ta sẽ thua, đặc biệt là khi quân nổi dậy bắt đầu tiếp nhận vũ khí hiện đại hơn.” - ông Tello nói.
Các nguồn tin an ninh trong khu vực ước tính có khoảng 15.000 chiến binh Hồi giáo dòng Shi'ite từ Lebanon và Iraq đang có mặt ở Syria và góp phần đưa quân chính phủ thắng thế. Tuy nhiên, những chiến thắng liên tiếp gần đây có thể không tồn tại lâu, thậm chí còn đẩy chính quyền Damascus vào tình thế nguy hiểm hơn nhiều. Chính sự thất thủ của quân nổi dậy ở thị trấn chiến lược Qusair đã khiến Ả Râp Saudi - vương quốc đóng vai trò then chốt trong chiến dịch hỗ trợ quân nổi dậy - hành động mạnh hơn mà cụ thể là tiếp tế vũ khí nhiều hơn.

Một tay súng nổi dậy canh gác cuộc biểu tình chống chính phủ ở Idlib. Ảnh: AP
Ngay cả khi chiếm được Homs, nắm được Damascus và các vùng phụ cận thì phần lãnh thổ mà ông Assad có trong tay vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với Syria trước đây. “Thắng từng trận đánh khác xa thắng cả cuộc chiến. Quân nổi dậy vẫn còn vũ khí và có thể phản công bất cứ lúc nào. Assad có thể thắng theo nghĩa vẫn ngồi ở ghế tổng thống và không bị lật đổ trực tiếp, nhưng ông ta không thể lập lại hòa bình cho Syria” - ông Andrew Terrill, giáo sư về quan hệ an ninh quốc tế của Đại học Quân đội Mỹ, nhận định.
Đó là chưa kể việc lực lượng chính phủ rút về giữ các khu vực trung tâm đã tạo điều kiện cho các chiến binh người Kurd vùng lên ở các vùng tự trị tại tỉnh đông bắc Hasakah.