Đức, Thổ Nhĩ Kỳ mặc cả chuyện di cư

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18-10 đến thủ đô Ankara để tìm kiếm sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nỗ lực ngăn dòng người di cư chạy từ Trung Đông sang châu Âu.

Bà Merkel cho đến giờ vẫn bỏ ngoài tai những lời kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới và không tiếp nhận người di cư đến từ Áo. Dù vậy, sức ép chính trị lên nhà lãnh đạo này trong nước có thể gia tăng sau khi xảy ra vụ bà Henriette Reker, một ứng viên thị trưởng ở TP Cologne, bị đâm vào cổ và đang trong tình trạng nguy kịch hôm 17-10 vì ủng hộ chính sách nhập cư của chính phủ.

Trước thềm chuyến công du trên, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp kiềm chế dòng người di cư đổ từ nước này chạy sang Hy Lạp để tìm đường đến những nước giàu có hơn.  Đổi lại, EU đồng ý đẩy nhanh đàm phán về vấn đề Ankara gia nhập khối, xem xét việc áp dụng chế độ miễn thị thực khu vực Schengen cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp viện trợ.

 

Người di cư đến nhà ga tại thị trấn Sredisce ob Dravi, Slovenia hôm 17-10 Ảnh: REUTERS
Người di cư đến nhà ga tại thị trấn Sredisce ob Dravi, Slovenia hôm 17-10 Ảnh: REUTERS

 

Dù lâu nay vẫn duy trì lập trường phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU nhưng xem ra bà Merkel sẽ phải có những nhượng bộ nhất định để đổi lấy cam kết giúp đỡ từ chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đối với vấn đề di dân. Việc EU chịu đáp ứng những yêu cầu trên của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là cú hích quan trọng cho Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền trước khi bước vào cuộc tổng tuyển cử ngày 1-11 tới.

Trong lúc này, dòng người di dân ở châu Âu đối mặt thách thức mới sau khi Chính phủ Hungary quyết định đóng cửa biên giới với Croatia đêm 16-10. Bước đi này buộc nhà chức trách Croatia đưa hàng ngàn người di cư đến biên giới với Slovenia 1 ngày sau đó.

Để đối phó, theo hãng tin Reuters, chính phủ Slovenia đã cho dừng các chuyến tàu từ Croatia, đồng thời huy động quân đội hỗ trợ cảnh sát kiểm soát làn sóng di dân. Ngoài ra, những người di cư đã tới nước này sẽ phải đăng ký trước khi tiếp tục lên đường đến Áo và Đức.