Đường hầm xuyên eo biển Bering

Ý tưởng xây dựng đường hầm qua eo biển Bering nối lục địa Á – Âu và Bắc Mỹ bằng một đường xe lửa xuyên lục địa nảy sinh hơn 100 năm trước đây. Tuy nhiên, “công trình thế kỷ” cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Hiện nay việc đi từ Nga sang Mỹ chỉ thực hiện bằng đường không hoặc đường thủy. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở cả hai phía đại dương đều khẳng định rằng, trong tương lai không quá xa, ngoài đường không và đường biển, sẽ có thêm đường sắt và đường bộ. Để  thực hiện được điều này chỉ cần nối Chukhotka (phía Nga) và Alaska (thuộc Mỹ) bằng một đường hầm qua eo biển Bering. Ý tưởng xây dựng một đường hầm và đặt một tuyến đường bộ từ London qua Berlin, Moskva, Omsk, Iakusk, Anadyr, Nom đến New York thật viển vông nhưng đồng thời rất hấp dẫn. Về mặt ý nghĩa “tuyến đường" như thế hoàn toàn có thể ví với con đường tơ lụa vĩ đại.

Đồ án đầu tiên về đường hầm xuyên lục địa được ra đời từ hơn một thế kỷ trước. Nó được một tập đoàn của Mỹ đề nghị lên Chính phủ Nga hoàng vào năm 1902. Ngay từ khi đó, công trình kỹ thuật vĩ đại đã hoàn toàn có thể thực hiện được. Ở Nga, người ta có cách nhìn hoàn toàn nghiêm túc đối với dự án này. Dự án đã 2 lần được các bộ trưởng của Chính phủ Nga Sa hoàng xem xét, tuy nhiên nó đã không được thông qua. Điều khiến người ta nghi ngại là để thực hiện được kế hoạch này cần những chi phí khổng lồ, còn lợi ích từ sự đầu tư như vậy khá mù mờ.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khôi phục lại việc xem xét dự án này. Về phía Nga, dự án này do Trung tâm Các  dự án giao thông phối hợp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đảm nhiệm, dưới sự lãnh đạo của viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Nga Victor Razbegin. ''Đến nay đã thực hiện được một khối lượng lớn công việc về lập luận chứng công nghệ sơ bộ cho dự án, - ông Victor Razbegin nói - Chúng tôi đã tiến hành một loạt các cuộc khảo sát trong khu vực dự kiến xây dựng. Kết quả nghiên cứu đã được thảo luận nhiều lần tại các hội thảo khác nhau. Ngay vào năm 1998, chúng tôi đã tiến sát đến việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ về xây dựng tuyến đường, nhưng khủng hoảng kinh tế đã diễn ra và tất cả những sáng kiến đã phải gác lại. Hiện nay, công việc theo hướng này lại được tiếp tục. Ví dụ, ở Mỹ đã dấy lên một làn sóng mới quan tâm đến dự án này, do những sự kiện tại Trung Đông dẫn đến''.

Những khó khăn và thuận lợi của dự án

Tại chỗ hẹp nhất, bề rộng eo biển Bering khoảng 90 km. Chiều dài đường hầm theo những tính toán khác nhau có thể từ 100 đến 110 km. Ở giữa eo biển có 2 hòn đảo, giúp cho việc xây dựng đường hầm dễ hơn đáng kể. Ngoài ra, điều kiện địa chất tại eo biển rất thuận lợi: chiều sâu không quá 18 m, hơn nữa đất thuộc loại ổn định.

Trong lịch sử nhân loại chưa có công trình kỹ thuật nào có độ dài như vậy. Bên cạnh đó, có một vài điều kiện khiến việc thực hiện công trình khá phức tạp. Vấn đề ở chỗ cả phía Nga lẫn phía Mỹ đều không có các tuyến đường bộ và đường sắt cần thiết dẫn đến khu vực dự kiến đặt đường hầm.

Hiện nay Nga đang xem xét 2 phương án xây dựng đường đến eo biển Bering: Khôi phục "tuyến đường chết” từ thời Stalin, nằm gần  vùng cực, dài 6.500  -  7.000 km, và xây dựng nhánh đường sắt  từ Iakutsk đến Alaska, qua vùng Magadan. Nhược điểm chính của phương án đầu là nó có ý nghĩa nội bộ đối với Nga, do đó khó kiếm được nhà đầu tư từ nước ngoài. Phương án sau gây được sự chú ý của các quốc gia khác, trước hết là các nước châu Á.

Công trình thế kỷ

Quy mô công trình và số tiền đầu tư cần thiết rất đáng kể. Thời gian thực hiện dự án vào khoảng 15 đến 20 năm, còn tiền đầu tư khoảng 60 tỉ USD. Đổi lại Nga sẽ nhận được gì? Nếu dự án Nga – Mỹ được thực hiện, nó sẽ mở ra triển vọng khai thác một vùng rộng lớn với nhiều mỏ khoáng sản giàu có. Các mỏ này hiện nay chưa được khai thác chỉ vì không có hệ thống giao thông bình thường.

Đường hầm sẽ không chỉ là hành lang giao thông. Trong hầm sẽ lắp đặt đường tải điện, nhờ đó 2 hệ thống năng lượng lớn nhất thế giới sẽ liên kết với nhau. Ở vùng Sibéri của Nga có dư công suất phát điện và Nga có thể buôn bán thành công với mặt hàng này. Tất nhiên, trong đường hầm sẽ lắp đặt cả các đường dây thông tin, và có thể cả đường dẫn khí, dầu mỏ. Điều này rất được người Mỹ quan tâm.

“Nếu ngày mai tổng thống Mỹ và Nga quyết định cho ra tuyến đường, thì trong 3 năm chúng tôi có thể kết thúc tất cả các công việc khảo sát – thiết kế, còn trong 10 đến 20 năm mơ ước về đường hầm sẽ được đưa vào cuộc sống” - ông V. Razbegin cho biết như vậy.