El Nino gieo rắc “ác mộng”

Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất lương thực và gây ra tình trạng khô hạn ở nhiều nơi trên thế giới.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ toàn cầu trong 2 tháng đầu năm nay đạt mức cao kỷ lục do biến đổi khí hậu.

Tại Malaysia, thời tiết nóng ít nhất 37 độ C kéo dài suốt 72 giờ tại Malaysia buộc hơn 250 trường học phải đóng cửa hôm 11-4. Thời tiết khắc nghiệt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trồng rau khiến giá cả leo thang. Các cánh đồng lúa và đồn điền cao su tại đây cũng không tránh khỏi thiệt hại.

Trong tháng này, lượng mưa tại một số bang như Perlis, Kedah, Penang, Bắc Perak, Kelantan, Bắc Terengganu... dự kiến dưới mức trung bình. Còn tại Thái Lan và Philippines, El Nino gây hạn hán nhiều nơi khiến đất nông nghiệp không thể canh tác.

Malaysia đang hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt Ảnh: Bernama
Malaysia đang hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt Ảnh: Bernama

Thời tiết khô hạn tiếp tục đe dọa bang California - Mỹ dù El Nino mang đến lượng tuyết và mưa cần thiết vào mùa đông năm ngoái. Thực tế, bang này cần lượng mưa và tuyết rơi nhiều trong vài năm mới có thể giúp khôi phục nguồn cung cấp nước về mức trước khi xảy ra hạn hán.

Đợt hạn hán nghiêm trọng 5 năm qua cho đến giờ vẫn góp phần gây cháy rừng, đe dọa nhiều loài động vật và khiến hàng ngàn hộ gia đình không có nước sạch sử dụng. Nhà chức trách California cho rằng đã đến lúc 39 triệu người dân của bang này làm quen với hiện thực mới của biến đổi khí hậu.

Tại châu Phi, Ethiopia là một trong những nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi El Nino. Liên Hiệp Quốc hôm 12-4 cho biết khoảng 20% trong số 100 triệu dân của quốc gia này cần viện trợ lương thực giữa lúc tình trạng suy dinh dưỡng trở thành vấn đề nghiêm trọng. Trước đó, chính phủ Ethiopia hồi tháng 12-2015 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 1,4 tỉ USD để họ đối phó khủng hoảng.

Không chỉ khiến con người khốn đốn, El Nino còn đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái. Theo báo Guardian (Anh), hàng trăm km của rạn san hô Great Barrier lớn nhất thế giới tại Úc đang bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển gia tăng. Đây là hiện tượng san hô không thể tiếp tục kết hợp với các loại vi khuẩn cộng sinh, dẫn đến mất màu và yếu đi, thậm chí có thể chết.