EU “xâm lăng” Mỹ!

Đô la Mỹ yếu đã thu hút mạnh các doanh nghiệp thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đầu tư vào nước Mỹ. Đây là một hiện tượng kinh tế hoàn toàn bình thường nhưng người Mỹ lo lắng bảo nhau: Họa euro xâm lăng đã bắt đầu!

Thoạt đầu, người châu Âu đến Mỹ để mua máy nghe nhạc iPod. Sau đó, họ mua nhà ở Manhattan và Miami. Còn giờ đây, đến lượt các doanh nghiệp EU. Thời gian gần đây, lợi dụng sự suy yếu của đô la Mỹ (USD), những người châu Âu đổ xô vào Mỹ để mua hàng điện tử gia dụng và bất động sản. Họ cũng mua lại các doanh nghiệp Mỹ làm ăn bết bát.

Nói cho công bằng, mức đầu tư của các nhà doanh nghiệp EU vào Mỹ so với các nước khác chưa đáng là bao. Nó khiêm tốn hơn nhiều so với 7,5 tỉ USD của một nhà đầu tư Ả Rập vào Tập đoàn Citigroup hay 3 tỉ USD của một nhà đầu tư Trung Quốc vào Tập đoàn Tài chính Blackstone. Tuy vậy, một doanh nhân ở Clovis, bang California, phát biểu trên tờ The Wasgington Post (WP): “Người Ả Rập không làm cho tôi lo lắng bằng người Pháp. Từ nay, đời sống của chúng tôi sẽ bị đảo lộn. Pelco là một phần của cộng đồng chúng tôi. Còn giờ đây...”. Schneider Electric, một doanh nghiệp Pháp vừa mua lại Pelco, một đại doanh nghiệp chuyên sản xuất hệ thống giám sát bằng video, ở California quê hương của ông ta.

Họa xâm lăng euro

- Thật ra, chuyện doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp Mỹ và ngược lại không có gì đặc biệt. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, xu hướng EU hóa các doanh nghiệp Mỹ – theo tờ WP - đáng chú ý ở chỗ nước Mỹ sẽ chứng kiến một cuộc đổ bộ rầm rộ, thậm chí có thể nói là chưa từng thấy, của các nhà đầu tư EU.

Họa xâm lăng euro là từ mà nhiều cơ quan truyền thông Mỹ dùng để chỉ hiện tượng nói trên. Họ lo ngại rằng không chỉ nhiều doanh nghiệp Mỹ rơi vào tay những kình địch EU mà thị trường Mỹ cũng sẽ bị các đối thủ cạnh tranh EU làm cho đảo lộn. Người EU sẽ sản xuất sản phẩm ngay tại Mỹ xuất đi khắp thế giới, kể cả xuất vào nước họ. Chuyện này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng “vì nước Mỹ bị nước ngoài kiểm soát”.

Mọi sự đều do “sức khỏe” yếu kém của USD. Chưa bao giờ giá trị của các doanh nghiệp Mỹ giảm sút mạnh như thế. Ví dụ, 5 năm trước, một công ty Đức hoặc Tây Ban Nha muốn mua lại công ty đối thủ của mình ở Mỹ trị giá 500 triệu USD thì họ phải bỏ ra ít nhất 550 triệu euro. Còn giờ đây họ chỉ cần 310 triệu euro là có thể kiểm soát được công ty địch bởi tỉ suất USD/euro đang nghiêng về đồng euro (1 euro = 1,83 USD, theo Vietcombank ngày 19-6).

Có nhiều lý do để các nhà đầu tư EU đổ xô vào Mỹ lúc này. Các doanh nghiệp EU không chỉ bị thu hút bởi giá USD giảm mạnh. Môi trường làm ăn ở châu Âu ngày nay không còn thuận lợi cho họ. Vượt Đại Tây Dương đến Mỹ là con đường nhanh nhất và tiết kiệm nhất để giảm giá thành sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh.

Có thể kể ra đây một số lợi ích. Lương nhân công ở EU, chẳng hạn, cao hơn Mỹ 16%, phí bảo hiểm xã hội cũng cao hơn. Chi phí năng lượng và vận chuyển cũng vậy. Giá trung bình 1 KW/giờ điện cung cấp cho ngành công nghiệp ở EU đắt hơn Mỹ gần gấp đôi. Đất đai ở Mỹ cũng rẻ hơn nhiều. Giá trung bình một hecta chỉ khoảng 3.000 euro trong khi ở Đan Mạch là 35.800 euro, Tây Ban Nha là 16.300 euro và Đức là 14.000 euro.

Thánh địa của giới doanh nghiệp

- Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt trong vài năm nay. Mặc dù một số công ty EU chuyển nhà máy sang Trung Quốc hoặc các nước Đông Âu để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, hầu hết đều công nhận rằng Mỹ là thánh địa của giới doanh nghiệp.

Một vị tổng giám đốc ở Ý nhận xét: “Tôi không thể không sản xuất tại Mỹ nếu muốn thương hiệu của công ty gia đình chúng tôi trường tồn. Ở đó không chỉ có chuyện giá rẻ. Tôi và những kỹ sư của tôi còn có cơ hội làm việc trong những nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất và một thị trường lớn nhất thế giới. Chúng tôi chỉ để lại ở Ý một bộ phận hoạt động trong lĩnh vực ý tưởng, còn toàn bộ các bộ phận khác sẽ dời về bang Massachussetts”.

Người Mỹ có lý khi bày tỏ những nỗi lo ngại trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những dấu hiệu của cuộc xâm lăng đến từ EU ngày càng rõ. Tập đoàn Thyssen Krupp của Đức đã đầu tư 3,7 tỉ USD xây dựng một nhà máy luyện thép ở bang Alabama. Alsthom, nhà sản xuất tàu lửa cao tốc và turbin của Pháp đã xây dựng một nhà máy lớn sắp đưa vào hoạt động ở bang Tennessee.

Hãng xe hơi Fiat của Ý cũng đã quay trở lại thị trường Mỹ sau một thời gian vắng bóng. Hãng BMW và Daimler của Đức đã gia tăng đáng kể lượng xe sản xuất tại Mỹ.

Nói chung, chỉ có những lĩnh vực nhạy cảm như công nghiệp quốc phòng, công ty dầu khí hay cảng biển nằm ngoài tầm với của các nhà doanh nghiệp EU vì có sự can thiệp của các chính khách. Ở các ngành khác, không thể cấm các doanh nghiệp EU tràn vào nước Mỹ như đội quân Mông Cổ xưa kia xâm lăng châu Âu.

Cuộc xâm lăng ngấm ngầm

Trong năm 2007, theo nhật báo The New York Times, giới doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư 414 tỉ USD để mua lại các công ty công nghiệp Mỹ, tăng 90% so với năm 2006.

Đứng đầu là các doanh nghiệp Canada với 65,6 tỉ USD. Kế đến là Anh với 45,8 tỉ USD. Trong khối EU còn có Tây Ban Nha và Đức với 24,2 tỉ USD. Riêng các nhà doanh nghiệp Pháp đứng hàng thứ 10 với 10,5 tỉ USD, trong đó gần đây nhất có Công ty Schneider Electric mua lại Công ty Pelco Inc với giá 1,540 tỉ USD (1,12 tỉ euro) hồi tháng 11-2007.

Pelco đứng đầu thế giới về thiết kế, phát triển và chế tạo các hệ thống giám sát bằng video và các thiết bị hỗ trợ. Trụ sở chính của Pelco nằm ở quận Clovis, miền Trung bang California. Pelco có 2.200 nhân viên.

Trước đó, năm 2006, Schneider Electric đã mua lại một công ty chế tạo các hệ thống điện khác của Mỹ là Công ty American Power Conversion với giá 6,1 tỉ USD.

Với hai công ty Mỹ mới mua nói trên, Schneider trở thành công ty chế tạo vật liệu điện hàng đầu thế giới hoạt động ở 190 nước, sử dụng 112.000 lao động và có 15.000 điểm phân phối trên toàn thế giới.