Gia thế hiển hách, lận đận vì Ung Chính
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, vốn thuộc dòng dõi “thư hương môn đệ”. Họ Tra là một danh gia vọng tộc nổi tiếng ở vùng Giang Nam
Trong phủ họ Tra, hoàng đế Khang Hy từng ngự bút các tấm biển “Đạm Viễn Đường”, “Kính Nghiệp Đường”, “Hạ Thụy Đường” và câu liễn “Đường Tống dĩ lai cự tộc, Giang Nam hữu số nhân gia” (Tộc lớn từ đời Đường Tống đến nay, Đất Giang Nam có được mấy nhà).
Vào giai đoạn cuối Minh đầu Thanh, họ Tra có một nhân vật nổi tiếng là Tra Y Hoàng mà trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh có ghi về chuyện của ông thần giao với tướng quân Ngô Lục Kỳ (sau này trong Lộc đỉnh ký, Kim Dung đã phát triển thành trường đoạn với những tình tiết độc đáo, thú vị).
Bảy tiến sĩ, năm hàn lâm
Ông tổ của Kim Dung là Tra Thận Hành (1650-1727), đậu tiến sĩ đệ nhị giáp, là thi nhân nổi tiếng đời Thanh, rất được hoàng đế Khang Hy khen ngợi, người trong triều gọi là “Tra Hàn lâm”.
Thanh sử liệt truyện chép rằng “Tra Thận Hành, tự Sơ Bá, người Hải Ninh. Lúc nhỏ thụ nghiệp Hoàng Tông Hy, tinh thông kinh Dịch. Tính thích thi từ, đến nơi nào cũng đều làm thơ, ngâm vịnh, danh vang trong chốn cung cấm”.
Hai người em của Tra Thận Hành là Tra Tự Khẩu, Tra Tự Đình đều làm quan ở Hàn lâm viện. Người anh họ là Tra Tự Hàn đậu bảng nhãn, người cháu là Tra Thăng làm thị giảng cũng đều vào Hàn lâm viện triều Thanh. Con trưởng của Tra Thận Hành là Tra Khắc Kiến, em họ là Tra Tự Huyến đều đậu tiến sĩ.
Vì thế, người đương thời có câu ca tụng “Nhất môn thất tiến sĩ, thúc điệt ngũ hàn lâm” (một nhà bảy tiến sĩ, chú cháu năm hàn lâm). Kim Dung kể, trong từ đường họ Tra ở Hải Ninh có nhiều tấm biển, câu liễn của những người nổi tiếng trong Hàn lâm viện viết tặng.
Văn tự ngục
Đến đời Ung Chính thì mọi việc đổi khác, gia tộc họ Tra phải trải qua cuộc văn tự ngục (vụ án văn học) nổi tiếng trong lịch sử. Năm Ung Chính thứ 4 (1726), Tra Tự Đình làm Thị lang bộ Lễ được phái đến tỉnh Giang Tây coi việc khảo thí, ông đưa ra đề bài thi bốn chữ “Duy dân sở chỉ” (đất của dân chúng ở).
Câu này xuất xứ từ bài Huyền điểu trong kinh Thi, đại ý là “đất đai rộng lớn của quốc gia đều là chỗ của dân chúng ở” với hàm nghĩa yêu thương dân. Đây vốn là một đề tài hoàn toàn hợp với quy phạm Nho gia.
Nhưng lúc này Ung Chính mới lên ngôi, thiên hạ chưa ổn. Có người tố cáo lên Ung Chính rằng người ra đề có dụng ý muốn giết chết hoàng đế, vì hai chữ “duy chỉ” là chữ “Ung Chính” bị mất đầu (chữ “duy” bỏ phần đầu là chữ “ung”, chữ “chỉ” bỏ phần đầu thành chữ “chính”). Dựa vào cách “chiết tự” ấy, Ung Chính ra lệnh bắt giữ cả nhà Tra Tự Đình.
![]() |
Nữ sĩ Quỳnh Dao là bà con xa của Kim Dung |
Tra Tự Đình bị tra tấn quá nặng, chết trong ngục, xác bị lôi ra chém. Con Tự Đình cũng chết trong ngục, gia quyến bị đày đi xa, tất cả sĩ tử tỉnh Triết Giang không được thi cử nhân, tiến sĩ trong 6 năm.
Anh của Tra Tự Đình là Tra Thận Hành (nội tổ Kim Dung) cũng bị liên lụy, phụng chỉ đưa cả nhà vào kinh chịu tội, sau được tha trở về quê, không lâu cũng qua đời.
Lại có thuyết rằng Tra Tự Đình có viết một bộ sách đề tựa là Duy chỉ lục, trong sách có chép hai câu đối trong miếu Quan Đế ở Hàng Châu rằng: "Hoang thôn cổ miếu do lưu Hán, Dã điếm phù kiều độc tính Chư" (Miếu cổ chốn làng hoang còn giữ nhà Hán, nơi quán tàn cầu nổi chỉ riêng có họ Chư).
Hai chữ Chư và Chu (họ Chu, họ của Chu Nguyên Chương, hoàng đế triều Minh) có âm đọc rất giống nhau, Ung Chính cho rằng đó là có ý nhớ tiếc triều Minh trước, muốn “phản Mãn phục Hán”.
Danh gia vọng tộc
Tuy gặp nhiều tai họa nhưng họ Tra vẫn là một gia tộc danh tiếng ở Hải Ninh. Khi Kim Dung ra đời, thân phụ Tra Khu Khanh là một đại địa chủ, nhà họ Tra còn 3.600 mẫu ruộng, người làm công trong nhà đến hơn 100 người.
Tra Khu Khanh thuộc thế hệ quá độ, chịu ảnh hưởng giáo dục Tây dương. Mẹ Kim Dung là Từ Lộc, cô của Từ Chí Ma. Họ Từ kinh doanh nhiều đời, là gia tộc đại phú thương ở Hải Ninh. Vợ chồng Tra Khu Khanh sinh 7 người con, Kim Dung thứ hai.
Năm 1937, quân Nhật đánh chiếm Giang Nam, vùng Viên Hoa bị oanh tạc dữ dội, Tra Khu Khanh đưa cả nhà chạy đi lánh nạn, trên đường Từ Lộc bị bệnh nặng qua đời. ba năm sau, Tra Khu Khanh tục huyền với Cố Tú Anh 17 tuổi, vốn là a hoàn (gái hầu) của bà nội Kim Dung. Do tuổi ngang nhau nên lúc nhỏ Cố Tú Anh rất thân thiết với Kim Dung.
Năm 2000, trên tạp chí Thu hoạch số 1, người xem vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi đọc một bài hồi ký có tên là Nguyệt Vân, mà tác giả là Kim Dung – người đã gác bút giang hồ 18 năm qua. Trong bài này, Kim Dung viết về những kỷ niệm với một a hoàn thời thơ ấu trong nhà mình, mà sau đó chính là mẹ kế của ông: Cố Tú Anh.
“... Sắp đến tết rồi, nhà của Nghi Quan (tiểu danh của Kim Dung) làm rất nhiều bánh mật, bánh tổ đón năm mới. Nghi Quan cầm đũa gắp một miếng ăn, lại gắp một miếng đưa lên, nói với Nguyệt Vân: “Nguyệt Vân, đưa tay ra!”, Nguyệt Vân sợ hãi thò thò thụt thụt tay phải ra, tay trái cầm chiếc roi tre đưa cho Nghi Quan, nước mắt lưng tròng.
Nghi Quan nói: “Tôi không đánh cô!”. Nói rồi gắp một miếng bánh mật nóng hổi bỏ vào lòng bàn tay phải của Nguyệt Vân làm cô gái giật mình “ối” lên một tiếng, Nghi Quan nói: “Nóng đấy, từ từ ăn...”.
Cố Tú Anh là người hiền thục, nuôi nấng con riêng của chồng như con mình, không hề phân biệt. Bà qua đời năm 1999, hưởng thọ 77 tuổi.