Hàn Quốc sẽ mua 60 chiến đấu cơ F-15SE

(NLĐO) – Hãng Boeing của Mỹ sắp đạt được một trong những thỏa thuận bán máy bay quân sự lớn nhất năm nay khi Hàn Quốc tuyên bố chiến đấu cơ F-15SE là ứng cử viên duy nhất cho Dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của không quân nước này.

Cơ quan quản lý chương trình thu mua quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) sẽ tổ chức cuộc họp vào hôm 24-9 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin.
 
Máy bay F-15SE được cho là ứng cử viên duy nhất đảm bảo được điều kiện kinh phí 8.300 tỉ won (tương đương 7,2 tỉ USD). Với số tiền trên, Hàn Quốc sẽ mua được 60 chiếc như thế.
 
img
Chiến đấu cơ F-15SE. Ảnh: Air Attack

Nếu đạt được thỏa thuận, Boeing sẽ cung cấp 60 chiếc F-15SE cho Hàn Quốc từ năm 2017 đến năm 2021. Chúng sẽ hoạt động cùng 60 chiếc F-15 K sẵn có của Hàn Quốc để thay thế phi đội F-4 và F-5 đã cũ.

DAPA trước đó đã đánh giá 3 loại máy bay chiến đấu, bao gồm F-15SE của Boeing, F-35 của Lockheed Martin và Eurofighter Typhoon của Tập đoàn hàng không vũ trụ quốc phòng Châu Âu (EADS). Theo kết quả đánh giá, máy bay F-35 đứng thứ nhất, F-15 đứng thứ hai và Eurofigher đứng thứ ba.

Một diễn biến khác, theo nghiên cứu của hai chuyên gia hạt nhân người Mỹ Joshua Pollack và Scott Kemp, Triều Tiên có thể đã tự sản xuất được các chi tiết quan trọng của máy ly tâm để làm giàu urani. Nghiên cứu cho thấy Bình Nhưỡng đã nắm được kỹ thuật sản xuất máy ly tâm mà không cần nhập khẩu các thành phần chính kể từ khi bị Mỹ và Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu.
 
img
Triều Tiên đã tăng gấp đôi kích thước của khu phức hợp Yongbyon. Ảnh: AP

Triều Tiên đã nhập nhiều bộ phận lò phản ứng hạt nhân trong thời gian đầu những năm 2000. Sau đó hoạt động nhập khẩu giảm dần chứng tỏ Bình Nhưỡng đang tự sản xuất các bộ phận này.
 
Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc mở rộng chương trình hạt nhân của Triều Tiên không thể kiểm soát được. Thế giới cũng gặp khó khăn để theo dõi những cơ sở hạt nhân này bởi các nhà máy làm giàu uranium không dễ bị phát hiện như lò phản ứng hạt nhân.