Hệ lụy

Chính sách 1 con của Trung Quốc (TQ) thực hiện từ năm 1978 đến nay đang trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận do hệ lụy gây ra cho nền kinh tế và đời sống xã hội.

Mặt trái của chính sách 1 con đã được nhiều quan chức các cấp và giới phân tích cảnh báo với các nhà lãnh đạo, kiến nghị phải sửa đổi. Điển hình là bà Bành Bồi Vân, 83 tuổi, cựu chủ tịch Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình của Quốc vụ viện TQ, chịu trách nhiệm thực hiện chính sách 1 con thời kỳ 1988-1998, đã chính thức lên tiếng đòi xét lại chính sách này.
 
Mới đây, một nguồn tin thân cận với bà Bành đã tiết lộ với hãng tin Reuters rằng bà đã từng gửi thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt thẳng vấn đề “đã đến lúc xét lại chính sách 1 con”.
 
Nhiều nhà phân tích ủng hộ quan điểm của bà Bành Bồi Vân khi cho rằng chính sách 1 con đã làm suy giảm lực lượng lao động và đà phát triển kinh tế. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, năm 2012, số người ở tuổi lao động đã giảm nhiều. Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy lực lượng lao động khoảng 930 triệu người hiện nay đến năm 2025 sẽ bắt đầu giảm khoảng 10 triệu người/năm, số người già đến năm 2030 sẽ là 360 triệu so với 200 triệu người hiện nay.
 
Do truyền thống thích sinh con trai, sự mất cân bằng giới tính ở TQ ngày càng trầm trọng, tỉ lệ sơ sinh là 118 trai/100 gái so với tỉ lệ bình quân toàn cầu là 103 trai/107 gái. Hậu quả tai hại của chính sách 1 con là tệ nạn ép buộc phá thai để thực hiện mục tiêu kế hoạch hóa gia đình. 

Bà Bành Bồi Vân cho biết chủ trương thí điểm cho phép mỗi gia đình sinh 2 con do bà kiến nghị được thực hiện ở 4 vùng kinh tế TQ đã đạt kết quả tỉ lệ sinh đẻ không tăng vọt, có thể thực hiện ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, bà Bành chưa dám tin chính sách 1 con có sớm được xét lại hay không.