Hiện tượng freeter ở Nhật

Kinh tế trì trệ, lối sống truyền thống Nhật đang bị đảo lộn. Trước đây, người Nhật luôn quan niệm là họ phải có một công việc trong các công ty, các cơ quan nhà nước mà họ sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời. Ngày nay, khủng hoảng, phá sản và thất nghiệp ngày càng nhiều trong xã hội Nhật... đã khiến lối sống truyền thống bị đảo lộn

Tại Nhật Bản, có hàng triệu người được báo chí nước ngoài gọi là các “freeter” (người làm nghề tự do). Đó là những thanh niên có trình độ đại học làm nghề tự do trong các ngành dịch vụ. Thời gian làm việc của họ có thể thay đổi và mức thu nhập thường thấp. Theo Viện Nghiên cứu Lao động Quốc gia Nhật Bản (JIL), số lượng các freeter tăng từ 500.000 từ đầu những năm 80 thế kỷ 20 lên 1,9 triệu ở thời điểm hiện nay. Năm 2000, 1/6 thanh niên Nhật có bằng cấp không muốn hoặc không tìm được việc làm ổn định khi ra trường. Tuy nhiên, sự chuyển biến này không đơn giản phản ánh một sự lựa chọn tự do mà nó là kết quả của khủng hoảng khuôn mẫu việc làm trọn đời.

Trong những năm tăng trưởng kinh tế nhanh sau chiến tranh thế giới thứ hai, việc làm trọn đời và sự thăng chức theo thâm niên công vụ trong các doanh nghiệp lớn luôn là cơ sở của sự ổn định xã hội Nhật Bản. Đáp lại, các nhân viên thể hiện sự tận tụy đối với doanh nghiệp của mình bằng cách làm thêm giờ không cần thù lao đã góp phần tạo ra nhiều của cải cho đất nước Nhật Bản. Những động tác đó chỉ ổn định khi có tăng trưởng. Còn khi tăng trưởng giảm thì khác, bởi các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như các nước tư bản, phải sa thải công nhân và tái cấu trúc. Nếu những năm 90 của thế kỷ 20, tỉ lệ thất nghiệp là dưới 2% thì nay đã vượt trên 5%, tức khoảng 3,4 triệu người không việc làm. Còn tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở lớp trẻ dưới 25 tuổi là 9,6%. Các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tuyển dụng tạm thời, trong khi số người lao động làm việc bán thời gian từ 7 triệu năm 1990 cũng tăng lên 11 triệu năm 1999.

Khuôn mẫu việc làm trọn đời vốn chi phối cuộc sống gia đình và những mối quan hệ giữa các giới. Bên cạnh người đàn ông làm việc quần quật, người phụ nữ lo việc ở nhà, quản lý ngân quỹ gia đình, nuôi dạy con cái và tổ chức cuộc sống là khuôn mẫu cơ bản trong xã hội Nhật Bản. Nay viễn cảnh này không còn là điều mơ ước của giới trẻ Nhật.

Sự khủng hoảng đã làm đảo lộn những mối quan hệ giữa các giới, đặc biệt là trong quan hệ gia đình. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, lương của đàn ông không còn đủ để trang trải cho mức sống ngày càng cao, nhất là chi phí cho con cái ăn học vì sự cạnh tranh học tập ngày càng khốc liệt. Năm 1984, lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, số phụ nữ có gia đình và đi làm đã vượt quá số phụ nữ chỉ ở nhà. Ngày nay, các phụ nữ trẻ ở Nhật không muốn sống cuộc sống như mẹ mình trước đây. Cũng như nam giới, họ đi làm, học tập, nghiên cứu, và đặc biệt có xu hướng là sinh ít con. Số phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 - 30 đang làm việc còn lớn hơn cả số phụ nữ đang làm việc ở Pháp và Mỹ. Sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống gia đình với cuộc sống nghề nghiệp là một thách thức lớn đối với họ. Công việc bận rộn và sự mệt mỏi khiến họ ít sinh đẻ hoặc có con muộn. Tất cả đã tạo nên một nước Nhật với dân số già trong thế kỷ 21. Tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản dự tính sẽ được đẩy từ 60 lên 65 tuổi vào năm 2013 và mức đóng góp sẽ tăng từ 17,35% lên 24% vào năm 2025.