Hiện tượng hikikomori ở Nhật

LỐI SỐNG.- Khoảng 1 triệu thanh niên Nhật tự nhốt mình trong phòng, sống tách rời xã hội. Từ 6 năm nay, Akiko Abe hiếm khi trông thấy con trai 25 tuổi của bà dù họ sống chung trong một ngôi nhà nhỏ. Anh ta chỉ ra khỏi phòng mình khi biết chắc cha mẹ anh đã ra ngoài hay đã ngủ. Bà kiên nhẫn chờ đợi anh mệt mỏi vì sự tự cô lập mình.

Thỉnh thoảng bà đứng ngoài tự nói chuyện với mình, cũng giống như nói với anh. Tuy nhiên, sợ con cứ tự cô lập mình mãi như vậy trong nhiều năm nữa, bà đã tìm đến một tổ chức  tư vấn vấn đề này.

Hiện tượng tự nhốt mình – tiếng Nhật gọi là hikikomori – đang tác động lên khoảng 1 triệu thanh niên. Họ sống đời sống của ẩn tu, đúng theo nghĩa đen, trong phòng mình, hoặc từ chối làm việc và tránh mọi cuộc tiếp xúc trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 10 năm. Theo một cuộc nghiên cứu của chính quyền Nhật, 41% trong số đó sống “ẩn dật” trong từ 1 đến 5 năm. Một số “người tự nhốt mình” bị các bệnh như trầm cảm, chứng sợ khoảng rộng hoặc bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đa số tự nhốt mình tại nhà trong 6 tháng hoặc hơn nhưng không có biểu hiện rối loạn tâm thần hay thần kinh. Vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Nhật trong vòng một thập kỷ qua do nền kinh tế nước này lâm vào suy thoái khiến thất nghiệp tăng cao đến mức kỷ lục và độ an toàn của công việc bị ảnh hưởng.

Các nhà tâm lý học và các chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Nhật cho rằng vấn đề này tại nước Nhật là nghiêm trọng nhất so với các nước trên thế giới. Các nhà nghiên cứu này đưa ra hàng loạt lý do cho việc “trốn tránh xã hội” của thanh niên, bao gồm tỉ lệ sinh giảm. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều gia đình chỉ có một con trai để họ đặt tất cả hy vọng. Ngoài ra, con trai trong gia đình lớn lên không có kiểu mẫu về vai trò của nam giới để chúng noi theo, vì cha chúng đi làm suốt ngày đêm. Các chuyên gia cũng đưa ra cái gọi là “văn hóa xấu hổ” của Nhật, theo đó người dân nước này sợ bị quan sát khi có vấn đề cần giải quyết. Sự giàu có của Nhật khiến người dân  có thể sống tách rời xã hội. Thanh niên Nhật sống tại nhà nhiều hơn so với thanh niên Mỹ, trừ khi đã lập gia đình. Những thiếu niên và thanh niên bỏ học hay bỏ làm có thể được cha mẹ “bao cấp”. Khoảng 70 đến 80% những người tự cô lập là nam giới. “Công việc” những người tự cô lập thường làm là ngủ suốt ngày nhưng thức suốt đêm,  xem TV, sử dụng Internet hay đi rảo suốt ngày đêm quanh các cửa hàng gần nhà để mua những thức ăn có thể nấu bằng lò vi-ba. Trong các vụ án gần đây ở Nhật, những người tự cô lập phạm các tội lạ lùng, như một thanh niên 27 tuổi đã bắt cóc một cô bé 9 tuổi và giữ cô bé này trong phòng mình suốt 9 năm. Mẹ của anh ta sống ở tầng dưới không được phép bước vào phòng của hắn.

Khi vấn đề thu hút sự quan tâm của quốc gia nhiều hơn, các nhóm hỗ trợ, các trung tâm tư vấn và các bệnh viện tâm thần đã xắn tay áo nhập cuộc. Những cuộc viếng thăm trong nhiều tháng và thỉnh thoảng trong nhiều năm đã giúp “lôi” những người trốn tránh xã hội ra khỏi phòng. Phần lớn những người quan tâm đến hiện tượng này đều cho rằng đây là bằng chứng của sự ngăn cách thế hệ giữa những người làm nên “thần kỳ kinh tế” nước Nhật hậu thế chiến với những người không có việc làm trong nền kinh tế yếu kém hiện nay.