Hiện tượng trái chuối

Nếu xem ngôn ngữ được sử dụng trong nhà như là một chuẩn mực để thống kê sắc dân thì trên toàn nước Úc, dĩ nhiên tiếng Anh là ngôn ngữ chính, kế đến là tiếng Ý, Hoa. Riêng tại bang Tây Úc, tiếng Hoa đứng hạng nhì, Ý hạng ba, tiếng Việt hạng tư. Tại Sydney và Melbourne, tiếng Việt đứng hàng thứ ba.

Nhưng những số liệu kể trên chưa hẳn là một dấu hiệu đáng mừng. Bởi vì nếu xem ngôn ngữ là nền tảng của văn hóa thì cộng đồng người Việt đang đứng trước một nỗi lo là các thế hệ con em sẽ dần dần thay thế tiếng Việt bằng Anh ngữ trong mọi giao tiếp hằng ngày.

Hiện tượng trái chuối (banana phenomenon) là một thuật ngữ mới, được các nhà mô phạm nêu lên để diễn tả một nỗi lo chung của di dân Á châu tại Úc đối với thế hệ con em họ trước sự dung nạp của văn hóa Tây phương, có nghĩa là da vẫn vàng (như vỏ trái chuối), nhưng bên trong đã bị Tây hóa. Thế hệ này thích dùng tiếng Anh để diễn đạt ý nghĩ hơn là dùng tiếng mẹ đẻ, cũng như dễ dàng hòa nhập vào lối sống theo “khuôn mẫu Úc”. Thường trong một gia đình, các trẻ nhỏ luôn luôn nói tiếng Anh với nhau thay vì tiếng Việt, chỉ khi nào giao tiếp với cha mẹ, chúng mới dùng tiếng Việt một cách ngọng nghịu. Một cô gái Việt Nam, sau khi nghe người lớn nói với nhau “chú đó tốt lắm, không có cờ bạc rượu chè”, cô đã thắc mắc hỏi lại mẹ mình rằng “không cờ bạc, uống rượu thì tốt đúng rồi, còn ăn chè có gì là xấu đâu?”, bà mẹ chỉ còn biết lắc đầu.

Trên toàn nước Úc, 8 ngoại ngữ được xem là đại chúng nhất. Trong đó gồm 4 ngoại ngữ châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý) và 4 ngoại ngữ châu Á (Hoa, Indonesia, Nhật, Việt Nam), ngay từ ở tiểu học (lớp 3), các học sinh phải chọn một trong tám ngoại ngữ này để học như là một ngoại ngữ bắt buộc. Ở bậc đại học, các sinh viên theo ngành xã hội học cũng bị bắt buộc chọn một ngoại ngữ châu Á. Thế nhưng một sinh viên Việt Nam, chọn tiếng Việt như là một ngọai ngữ bắt buộc lại phải thi trả nợ môn ngoại ngữ này vì học hành quá... ẹ.

Có người đã nêu lên một câu hỏi nghiêm túc là làm thế nào để biết một đám trẻ là người Việt hay người Hoa? Câu trả lời thật đơn giản, nhưng cũng thật là mỉa mai. Nếu đám trẻ ấy nói tiếng Hoa, thì hẳn là người Hoa, còn nếu là người Việt, chúng sẽ nói... tiếng Anh.