41 phát súng thần công đã nổ rền hôm 1-4 ở hơn một chục địa điểm khắp Vương quốc Anh và lãnh thổ Gibraltar để tiễn đưa Mẫu hậu Elizabeth, đánh dấu tuần lễ để tang “biểu tượng của sự thanh tao và lòng can đảm”. Trong cuộc đời dài hơn một thế kỷ, Mẫu hậu (Queen Mum theo cách gọi thân mật của thần dân nước Anh) Elizabeth đã từng giúp nền quân chủ Anh vượt qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thời cận đại.
Năm 1939, khi người chồng yếu đuối của bà bất ngờ thừa kế ngai vàng lên ngôi lấy tên George VI, bà trở thành chỗ dựa vững chắc của chồng. Quốc vương George VI từ chỗ thiếu tự tin do có tật nói cà lăm, nhờ Hoàng hậu Elizabeth trở thành một quốc vương được thần dân Anh yêu mến và kính trọng.
Tháng 9-1939, Đức quốc xã tuyên chiến với nước Anh, thủ đô London trở thành mục tiêu không kích dữ dội. Và trong khi chính phủ lên kế hoạch sơ tán hoàng hậu và hai công chúa sang Canada tạm trú và lòng dân hoang mang thì hoàng hậu quyết định ở lại chia sẻ những khổ đau của nhân dân. Bà tuyên bố: “Các công chúa sẽ không bao giờ rời khỏi tôi và tôi cũng không bao giờ rời khỏi quốc vương và quốc vương cũng không bao giờ rời khỏi nước Anh”. Uy tín nền quân chủ Anh lập tức được phục hồi. Hoàng hậu Elizabeth, biểu tượng của lòng can đảm, khắc sâu trong tâm khảm người dân. Đến như nhà độc tài Hitler cũng phải thốt lên với đám cận thần: “Đây là người phụ nữ nguy hiểm nhất ở châu Âu”.
Trong những ngày bi thảm nhất của nước Anh lúc đó, bà tập bắn súng với khẩu súng lục, quà tặng của Thủ tướng Winston Churchill. Công việc hàng ngày của bà là viếng thăm các trung tâm hội chữ thập đỏ, các điểm dân quân tự vệ, các hầm tránh bom, bệnh viện, nhà máy sản xuất đạn dược, ủy lạo thương binh v.v... Ngày 13-9-1940, máy bay Đức ném hơn 10 quả bom trúng điện Buckingham, phá hủy một nhà thờ, làm hư hại sân vườn. Lúc đó bà và quốc vương đang ngồi trong phòng khách. Cả nhà không ai bị thương nhờ kịp nấp vào hầm tránh bom. Sau đợt không kích nguy hiểm này, Hoàng hậu Elizabeth đã thốt ra một câu nói để đời: “Tôi rất sung sướng vì chúng tôi đã bị ném bom. Bây giờ thì tôi có thể nhìn thẳng vào mặt những người ở khu East End”. East End là khu nhà của những người nghèo ở London và cũng là khu chịu nhiều thiệt hại nhất do bom đạn Đức thời đó. Anthony Holden - nhà sử học hoàng gia Anh - nhận xét trong cuốn tiểu sử của Hoàng hậu Elizabeth: “Đó là một câu nói vang dội trong lịch sử quan hệ giữa hoàng gia và dân chúng Anh”.
Hoàng hậu cũng tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về kinh tế thời chiến. Mặc dù hoàng gia Anh được hưởng nhiều ưu đãi so với dân thường, cuộc sống trong lâu đài Windsor, nơi bà và hai cô công chúa sinh sống, được duy trì ở mức rất khiêm tốn. Mỗi phòng chỉ xài một bóng đèn tròn. Lò sưởi được hạn chế tối đa. Năm 1942, khi Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt viếng thăm điện Buckingham, ông thấy trong bồn tắm có kẻ một lằn đen được coi là mực nước tối đa, không được vượt quá!
Kỳ tới: Những cuộc tình của Hoàng hậu Elizabeth