Học làm “vợ đảm, dâu hiền”

Giới giàu có và trung lưu ở Ấn Độ đang gửi con gái tới trường dạy làm vợ, làm dâu. Lối sống này bắt đầu trở thành phong trào

Cô Lakshmi Gupta, 24 tuổi, cùng cha mẹ có bữa ăn đầu tiên với người yêu và gia đình anh tại một khách sạn. Cô tháo vát hướng dẫn mọi người cách thưởng thức các món ăn Ý một cách thành thạo, đặc biệt là món spaghetti. Bố mẹ chồng tương lai rất có ấn tượng và thán phục Lakshmi. Bữa ăn đầu tiên sau khi hai gia đình đồng ý trở thành
thông gia, kết thúc mỹ mãn.


Học vấn cao cũng phải học


Ông Atul Gupta, cha cô Lakshmi, hoàn toàn mãn nguyện, không chút tự ti vì gia đình không giàu có bằng gia đình thông gia. Ông là chủ cửa hàng nhỏ ở thị trấn ngoại ô New Delhi. Ông cảm thấy tự hào vì con gái có cách cư xử trong bữa ăn làm hài lòng gia đình người yêu.

Ông nói: “Tôi chỉ lo ông bà thông gia chê gia đình tôi nghèo, nhưng tôi đã lầm, nhờ cách đối xử của con gái mà được họ quý mến và thán phục”. Cô Lakshmi tâm sự: “Cha mẹ tôi chỉ chủ yếu giao tiếp với họ hàng thân thích.

Chúng tôi hiếm khi ăn uống tiệc tùng, cũng chưa đi du lịch ở nước ngoài. Vì người yêu của tôi làm việc cho một công ty đa quốc gia nên bố mẹ muốn tôi phải học được cách sống để có thể trở thành “vợ đảm, dâu hiền” được cha mẹ chồng yêu thương như con đẻ”.


Tại Ấn Độ, các cô gái có thể có bằng cao học tại các trường đại học danh tiếng như Harvard (Mỹ), Oxford (Anh) nhưng cũng phải học cách sống làm vợ, làm mẹ, làm dâu sao cho hoàn hảo. Chính vì vậy, bố mẹ cô Lakshmi đã bỏ ra 55.000 rupee (20 triệu đồng VN) cho con theo học một khóa 6 tháng tại trường dạy cách sống tại địa phương.

img
Ngày càng có nhiều phụ nữ Ấn Độ theo học tại trường dạy làm vợ, làm dâu trước khi về nhà chồng . Ảnh: AFP


Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), trường này trang bị kiến thức về cuộc sống vợ chồng, cách nuôi dạy con cái, cuộc sống làm dâu, quan hệ với họ hàng nhà chồng, lối sống giữ cho quan hệ vợ chồng lâu bền hạnh phúc.

Cô giáo Anjali Bhalla nói: “Cuộc sống giờ đây phức tạp hơn trước nhiều. Phụ nữ phải làm việc, nhưng cũng phải quản lý tốt gia đình, làm tốt vai trò người vợ, người mẹ. Cả hai lĩnh vực đều phải hoàn thiện như nhau, không được bên nặng, bên nhẹ.
Họ có trách nhiệm giữ chồng có cuộc sống luôn lành mạnh, nhưng phải được gia đình nhà chồng đối xử hợp đạo lý. Chúng tôi dạy các em không thụ động chấp nhận bất công mà phải lên tiếng phản kháng để giữ quyền bình đẳng.

Trường cũng dạy các thủ tục ly hôn khi tình yêu vợ chồng tan vỡ, khó hàn gắn”. Các trường đều có sách giáo khoa được soạn thảo công phu từ kinh nghiệm cuộc sống thực tế ở Ấn Độ để trang bị cho học sinh đủ loại kiến thức về cuộc sống gia đình khi trở thành người vợ, người mẹ.


Cần cả trường dạy làm chồng


Các trường dạy phụ nữ kiến thức và bí quyết làm vợ, làm mẹ và làm dâu ra đời từ hơn một năm nay đã có kết quả đầu tiên và được giới phụ nữ Ấn Độ hoan nghênh. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là để bảo đảm sự bình đẳng giới: Tại sao chưa có những trường dạy nam giới trở thành những “ông chồng lý tưởng” cho tương xứng với trường dạy “những phụ nữ siêu hạng”?

Phải chăng chỉ phụ nữ mới được dạy về kiến thức gia đình, còn nam giới đã hoàn hảo trong lĩnh vực này? Theo học giả Mukul Kesavan, tác giả cuốn khảo luận “Tính xấu của đàn ông Ấn Độ”, việc mở trường dạy đàn ông cách sống và xây dựng gia đình hạnh phúc là rất cần thiết. Chỉ dạy phụ nữ cách sống sao cho hạnh phúc là không đủ vì hạnh phúc vẹn toàn là sự hòa  hợp của cả vợ và chồng.


Trong cuốn khảo luận, học giả Mukul Kesaven viết: “Tật xấu của nam giới Ấn Độ thì có nhiều nhưng không phải sinh ra đã có tật xấu. Họ xấu là do thói quen trong cuộc sống. Từ nhỏ mà đã có thói quen và dễ dãi với bản thân thì càng lớn, thói hư và tật xấu càng khó sửa”.


Ông Dinesh Chugh, hiệu trưởng một trường dạy phụ nữ cách sống, khi được hỏi tại sao nam giới Ấn Độ chỉ lo làm ăn mà không cố gắng trở thành những “người chồng lý tưởng”, chỉ biết cười trả lời: “Tôi đồng ý chúng ta cũng phải mở những lớp dạy nam giới làm chồng, nhưng phải chờ thời gian và điều kiện thuận lợi”. Được hỏi tiếp “chờ đến bao giờ” thì ông này im lặng!