Hội Anh em Hồi giáo là ai?
Việc Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman, cánh tay mặt của ông Mubarak, mời Hội Anh em Hồi giáo tham gia cuộc thảo luận về tương lai của Ai Cập đã khiến Mỹ và Israel lo ngại
Ngày 6-2, ông Suleiman, đại diện chính quyền Ai Cập, bắt đầu tiến hành một loạt cuộc thương thảo với những lực lượng đối lập, trong đó có Hội Anh em Hồi giáo (gọi tắt theo tiếng Anh là MB) được coi là lực lượng mạnh nhất mặc dù chính thức mà nói tổ chức Hồi giáo này bị cấm hoạt động chính trị từ năm 1954 và bị đàn áp quyết liệt trong mấy thập niên qua.

Mohammed Badie (giữa), thủ lĩnh của MB hiện tại, trong một cuộc họp báo ở Cairo. Ảnh: AFP
Mục đích của chính quyền là cố gắng chấm dứt những cuộc biểu tình rầm tộ tại quảng trường Tahrir (tiếng Ả Rập có nghĩa là giải phóng) suốt 17 ngày qua đòi Tổng thống Mubarak từ chức ngay lập tức, bất chấp những nỗ lực cải cách chính trị gần đây của chính quyền theo hướng xoa dịu lòng căm phẫn của dân chúng. Vì sao chính quyền Ai Cập thay đổi sách lược quay ngoắt 180 độ?
Một tổ chức lâu đời, tầm ảnh hưởng lớn
MB laâ möåt töí chûác tön giaáo do thầy giáo kiêm học giả Hồi giáo Ai Cập Hassan el-Banna sáng lập năm 1928 tại Ai Cập. Mục đích của MB, theo Robert Sole, một cây bút chuyên về Trung Đông của nhật báo Pháp Le Monde, là thiết lập chính quyền Hồi giáo ở Ai Cập trên nền tảng kinh Koran.
Lúc đầu, MB hoạt động như một tổ chức xã hội, rao giảng đạo Hồi, mở lớp xóa mù chữ, xây cất bệnh viện và mở một số công ty thương mại để có tiền chi trả các hoạt động xã hội.
Năm 1936, MB bắt đầu hoạt động chính trị chống lại sự cai trị Ai Cập của thực dân Anh. Sau đó MB trở thành một phong trào chính trị xuyên quốc gia, có mặt ở khắp nơi (9 nước Tây Á, 5 nước châu Phi, thậm chí ở Mỹ) phần lớn đóng vai trò đảng phái đối lập.
Theo đài truyền hình Ả Rập Al-Jazeera, MB là tổ chức chính trị Hồi giáo lớn nhất và lâu đời nhất, có ảnh hưởng lớn nhất thế giới với phương châm gói gọn trong cụm từ “Hồi giáo là một giải pháp”.
Tại Ai Cập, MB là một tổ chức chính trị đối lập lớn nhất, có tổ chức tốt nhất, đồng thời cũng bị chính quyền Ai Cập đàn áp quyết liệt nhất.
Khởi đầu là một tổ chức “bảo thủ và chống bạo lực” (nhận định của Jeremy Bowen, biên tập viên chương trình Trung Đông của đài BBC) trong quá trình phát triển, MB chịu ảnh hưởng của hai luồng tư tưởng khác nhau.
Lịch sử đẫm máu
Một phái muốn gầy dựng nền dân chủ ở Ai Cập, trong khi một phái khác muốn biến Ai Cập thành một nhà nước Hồi giáo không chấp nhận các giá trị của phương Tây, nhất là của Mỹ. Phái ôn hòa do nhà sáng lập el-Banna lãnh đạo chủ trương chống bạo lực và chống ám sát.
Khi Thủ tướng Nokrachi bị ám sát năm 1948, ông el-Banna đã lên án kịch liệt hành động này. MB cũng từng lên án chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 nhắm vào nước Mỹ. Cũng vì chuyện này, MB bị Osama bin Laden, “ông trùm” tổ chức Al-Qaeda, chỉ trích là phản bội “Thánh chiến”.
Phái cực đoan của ông Sayed Qotb muốn đoạn tuyệt với chính quyền Ai Cập, chủ trương ám sát các nhà lãnh đạo Ai Cập vì “toàn là những kẻ phản đạo”. Từ năm 1940, phái cực đoan tiến hành một loạt hoạt động đẫm máu, trong đó có vụ ám sát Thủ tướng Nokrachi, người ra lệnh giải tán MB, tịch thu tài sản. Phản ứng của chính quyền cũng không kém phần đẫm máu.
Ôn hòa hay cực đoan, el-Banna và Qotb đều bị chính quyền Ai Cập xử chết. Sau khi Thủ tướng Nokrachi bị ám sát, năm 1949, đến lượt ông el-Banna bị hai kẻ lạ mặt bắn chết trong lúc đón taxi ở Cairo. Nhiều bằng chứng cho thấy đứng đằng sau âm mưu sát hại này là nhà cầm quyền lúc bấy giờ.
Năm 1966, thủ lĩnh Sayed Qotb bị cảnh sát bắt theo lệnh của Tổng thống Nasser. Tòa án Cairo xử treo cổ Qotb ngay sau đó.
Cuộc đàn áp MB của chính quyền dưới thời Tổng thống Gamal Abdel Nasser đặc biệt quyết liệt sau khi MB bị nghi ngờ tổ chức ám sát tổng thống. Hàng ngàn thành viên MB bị bắt. Năm 1971, người kế vị Nasser là Anouar el-Sadate ban bố lệnh ân xá các thành viên MB.
Thế nhưng 8 năm sau, MB lại bị đàn áp bạo liệt sau khi Tổng thống Sadate ký hòa ước với Israel. Năm 1981, ông Sadate bị một cựu thành viên MB thuộc cánh ông Qotb ám sát.
MB có thể làm được gì?
Là lực lượng đối lập lớn nhất có ảnh hưởng sâu rộng ở Ai Cập, chính quyền Mubarak tất nhiên không thể xem thường họ. MB có những kế hoạch gì để xây dựng một nước Ai Cập mới? Đây là một ẩn số mà báo chí Ả Rập cũng như phương Tây đang cố giải mã.
Giới truyền thông Ả Rập nói chung lo ngại sự có mặt của MB trong một chính quyền mới sau khi ông Mubarak ra đi. Nhật báo Lebanon LOrient-Le Jour băn khoăn về những kế hoạch của MB: “Cho dù các nhà lãnh đạo MB mặc áo vét, đeo cà vạt trông rất lịch sự cố gắng đánh bóng hình ảnh của hội, điều này cũng không che giấu được ý đồ trả thù chế độ Mubarak để thành lập một nhà nước cai trị bằng Sharia (Luật Hồi giáo) giống như Iran”.
Tờ Asharq al-Awsat, xuất bản tại London, cho rằng chính quyền Mubarak đã không mắc sai lầm khi chấp nhận thương thảo với MB “một phong trào hòa bình có ảnh hưởng chính trị lớn bị chính quyền đàn áp thậm tệ mặc dù chủ trương bất bạo động”.
Tuy nhiên, tờ báo này nghi ngờ rằng MB không đủ sức kiểm soát “cuộc cách mạng sông Nil” đang diễn ra sôi sục tại quảng trường Tahrir.
Nhà báo Robert Sole lưu ý rằng MB có một nhược điểm lớn là không có một chương trình kinh tế đáng tin cậy trong khi mầm móng gây biến loạn hiện nay là vấn đề giá cả lương thực leo thang, nạn thất nghiệp và nghèo đói. Cho nên, MB không thể là giải pháp thay thế chính quyền hiện tại.
“Họ không thể chiếm chính quyền bằng bạo lực trừ phi các thành viên của MB trong quân đội muốn điều đó. Nhưng khả năng này rất khó xảy ra” - ông Sole nhấn mạnh.