Hội họa Việt Nam đang phát triển chưa từng thấy
Hội họa VN đang thu hút được sự quan tâm của thế giới. Bằng chứng là du khách tấp nập đến các phòng tranh và các họa sĩ VN được mời đi triển lãm khắp nơi trên thế giới. Chỉ tính riêng thị trường tranh VN ở Singapore đã lên đến 1,2 triệu USD/năm.
Những bức tranh sơn mài màu sắc rực rỡ, cảnh thôn quê dung dị yên bình khác xa phố xá náo nhiệt, ồn ào được coi là một trong những xu hướng mỹ thuật VN đương đại. Hà Nội là thủ đô văn hóa của VN, nơi có hàng trăm phòng tranh mọc lên từ vài năm nay. Điều gì đã khiến cho hội họa VN trở nên như nhất, quyến rũ và thành công như vậy? Bà Suzanne Lecht, chuyên gia về hội họa VN, cho biết: “VN là nước duy nhất ở châu Á chịu ảnh hưởng của Pháp... Người Pháp đã thành lập Trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1925 cho cả khu vực Đông Dương và Trung Quốc và dạy vẽ theo kỹ thuật phương Tây. Nhưng các họa sĩ lại là người VN nên họ vẽ theo cách “Đông - Tây kết hợp”, tạo được một nền mỹ thuật dễ được cả người phương Tây lẫn những người khác văn hóa chấp nhận”. Bà Suzanne đã cư ngụ tại Hà Nội hơn 10 năm, cho biết hội họa VN đang phát triển chưa từng thấy.
Họa sĩ Diệp Quý Hải, 33 tuổi, hy vọng nắm được cơ hội này. Anh vẫn theo đuổi nghệ thuật sơn mài truyền thống nhưng các bức tranh mang khuynh hướng trừu tượng. Hải bộc bạch: “Tranh sơn dầu ở châu Âu rất đặc sắc, thể hiện được tình cảm của người Âu. Với họa sĩ châu Á, sơn mài lại là chất liệu đặc biệt, thể hiện được tâm hồn Á Đông”.
Hội họa VN luôn hấp dẫn các phòng tranh nước ngoài như ở Singapore chẳng hạn. Chủ phòng tranh Gajah, ông Jasdeep Sandhu, nhập tranh của VN từ 8 năm nay, tháng nào cũng có mặt tại VN. Ông nhận xét: “Phong cách hội họa VN được nhiều người yêu thích vì những bức tranh giống như những giấc mơ, khác hẳn xã hội VN hiện nay”. Tuy nhiên ông cũng tỏ ra thận trọng với tranh thương mại và tranh đích thực. Phòng tranh Gajah mỗi năm bán khoảng 150 bức họa VN và thị trường của các bức tranh này đang tăng lên rõ rệt.