Hồng Kông: Lượng người biểu tình tăng vọt, nguy cơ bạo lực tiếp diễn

(NLĐO) – Số lượng học sinh tham gia cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã tăng từ con số 20 trong buổi sáng lên hàng ngàn người vào trưa 13-6 (giờ địa phương).

Reuters cho biết hàng người biểu tình ở Hồng Kông đang sẵn sàng đụng độ với cảnh sát trong bối cảnh họ phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Trước đó một ngày, cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình không vũ trang. Đám đông quá khích cũng xông vào toà nhà Hội đồng Lập pháp (Legco) khiến hàng chục người bị thương.

Một số người biểu tình xung quanh Legco tìm cách ngăn cảnh sát chặn nguồn cung cấp mặt nạ và thực phẩm. Số lượng học sinh tham gia cuộc biểu tình ngày càng tăng, từ con số 20 trong buổi sáng lên hàng ngàn người vào trưa 13-6. Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình khác đã rút lui về khu thương mại trung tâm.

Hồng Kông: Lượng người biểu tình tăng vọt, nguy cơ bạo lực tiếp diễn - Ảnh 1.

Hàng người biểu tình ở Hồng Kông đang sẵn sàng đụng độ với cảnh sát. Ảnh: Reuters

Hồng Kông đang huy động cảnh sát mặc đồng phục theo dõi tình hình và cảnh sát mặc thường phục kiểm tra danh tính của những người đi đường.

Chính quyền Hồng Kông cũng đóng cửa các văn phòng trong đặc khu. Hoạt động trấn áp của cảnh sát đã làm cho 72 người biểu tình phải nhập viện vào tối 12-6.

Ken Lam, một người biểu tình khoảng 20 tuổi làm việc trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống ở Hồng Kông, tuyên bố anh sẽ phản đối cho đến khi dự luật bị hủy bỏ.

Hầu hết các con đường xung quanh khu thương mại trung tâm đã mở cửa trở lại nhưng Pacific Place, trung tâm mua sắm chính bên cạnh cơ quan lập pháp, vẫn đóng cửa. Các ngân hàng bao gồm Standard Chartered, Bank of China và DBS cho biết họ sẽ đình chỉ hoạt động của chi nhánh trong khu vực cho đến khi có thông báo mới.

Hồng Kông: Lượng người biểu tình tăng vọt, nguy cơ bạo lực tiếp diễn - Ảnh 2.

Hồng Kông đang huy động cảnh sát mặc đồng phục theo dõi tình hình. Ảnh: Reuters

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã lên án các vụ đụng độ bạo lực vào tối 12-6, đồng thời kêu gọi khôi phục trật tự nhanh chóng.

Tuy nhiên, bà Lam từ chối trì hoãn hoặc rút lại dự luật bởi điều đó là cần thiết để "ngăn tội phạm bị truy nã trên đất liền lợi dụng Hồng Kông làm nơi trú ẩn".

Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép Hồng Kông dẫn độ những người phạm tội, bao gồm cư dân Hồng Kông, Trung Quốc và người nước ngoài sang Trung Quốc trong từng trường hợp cụ thể. Nhiều người lo ngại dự luật sẽ khiến Hồng Kông chịu ảnh hưởng của luật pháp Trung Quốc.