Inca Kola, khắc tinh của Coca - Cola

Peru là nước duy nhất trên thế giới mà Coca-Cola chịu nhường bước cho một loại nước giải khát địa phương có tên Inca Kola. Thậm chí Inca Kola còn xuất ngược sang Mỹ, hiện diện một cách hiên ngang trong các siêu thị Mỹ, bởi nhiều người Nam Mỹ dù ở đâu, đều thích cái mùi kẹo cao su đặc trưng của nó

Có một câu chuyện được nhiều người dân Peru truyền miệng một cách kiêu hãnh. Vào tháng 4-1999, Douglas Ivester, Chủ tịch Công ty Coca-Cola, bay tới Lima, thủ đô của Peru, làm một chuyện chưa có tiền lệ: Ký văn bản mua lại 50% cổ phần của Công ty Inca Kola, địch thủ đã hạ đo ván Pepsi Cola trên thị trường Peru. Coca-Cola buộc phải làm chuyện đó nếu không muốn bị hạ nốc - ao như Pepsi-Cola.

VỊ ĐẮNG CỦA INCA KOLA.

- Vừa bước xuống máy bay, Ivester đã được đông đảo các nhà báo Peru bu quanh phỏng vấn. Để tỏ ra mình là một đối tác đàng hoàng và lịch thiệp của Inca Kola, Ivester nếm thử chai nước ngọt đã chiếm lấy ngôi vị hàng đầu của Coca-Cola trên thị trường Peru. Ông nở một nụ cười rạng rỡ tuyên bố: “Inca Kola là một kho báu của Peru. Chúng tôi tiên liệu tương lai của nó trên thị trường thế giới là rất sáng sủa”. Nói vậy chứ cái vị trong miệng ông thì đắng nghét, mặc dù nước Inca Kola quá ngọt đối với khẩu vị người Mỹ và người phương Tây.

Tạp chí Letras Libres, xuất bản tại Lima, kể lại cảm giác đầu tiên của ông chủ tịch công ty nước ngọt số một thế giới khi nếm mùi vị Inca Kola lúc đó là “nước gì mà có màu giống nước tiểu, còn mùi vị thì giống kẹo cao su”. Trong mắt báo chí Peru, việc ông Ivester uống nước ngọt số một của Peru là một sự thừa nhận thất bại. Coca-Cola không thể thắng Inca Kola và buộc phải móc ví (300 triệu USD) mua lại cổ phần Inca Kola và công ty địch nhằm kiểm soát được tình hình ở Peru.

Người ta có thể hiểu cái cảm giác khó tả của ông Ivester khi uống “nước đắng” Inca Kola, vốn là một kẻ vô danh tiểu tốt. Coca-Cola là nước giải khát có ga số một ở Mỹ và luôn luôn chiếm vị trí số một trên hầu hết thị trường các nước thế giới. Tại Mỹ, nó đã đè bẹp kỳ phùng địch thủ Pepsi-Cola. Doanh số hằng năm của nó là 10 tỉ USD. Coca-Cola là nhà tài trợ độc quyền của cúp bóng đá thế giới, của các thế vận hội. Nhãn hiệu Coca-Cola hiện được in bằng 80 thứ tiếng. Thế lực như thế nhưng người khổng lồ Goliath Coca- Cola chưa bao giờ chinh phục được thị trường Peru thống trị bởi một gã David có cái tên đáng ghét là Inca Kola.

Inca Kola là một phát minh của dòng họ Lindley, một gia đình người Anh di cư sang Peru từ năm 1910. Gia đình này thoạt đầu thành lập Công ty Lindley sản xuất vỏ chai. Năm 1935, công ty mới sản xuất nước giải khát Inca Kola dựa trên cơ sở thức uống truyền thống Hierba Luisa. Kể từ cuối thập kỷ 1950, Inca Kola tăng tốc chiếm 38% thị trường toàn quốc vào năm 1970, đánh bại mọi nhãn hiệu khác kể cả Coca-Cola và Pepsi-Cola.

ĐỊCH KHÔNG LẠI THÌ MUA.

- Bị qua mặt trên thị trường Peru, gã khổng lồ Coca-Cola mở chiến dịch tấn công tổng lực, tiếp thị nhãn hiệu của mình từ điểm bán hàng khiêm tốn nhất đến những sự kiện thể thao lớn nhất. Đặc biệt, Coca-Cola kết hợp quảng cáo với các món ăn địa phương, thâm nhập các nhà hàng ăn uống và thuê một đội ngũ đông đảo “Coca-Cola Girls”, những cô gái tiếp thị xinh đẹp nhảy múa khắp thủ đô Lima. Chiến dịch này khá hơn chiến dịch của Pepsi-Cola nhưng vẫn không thể quật ngã Inca Kola. Thị phần cao nhất của Coca-Cola ở Peru là 32% (so với 32,9% của Inca Kola) vào năm 1995. Nhưng sau đó Coca-Cola bị hai vố đau, tụt lại khá xa so với Inca Kola

Vố thứ nhất là Bembos, chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh Peru ở Peru, chuyển hướng chỉ bán Inca Kola thay vì Coca-Cola như trước đó vì hai bên không đạt được thỏa thuận khi thương thảo một hợp đồng mới. Chỉ sau khi Coca-Cola tiến hành đàm phán lại, Bembos mới bán Coca-Cola đồng thời với Inca Kola.

Trước sự kiện nêu trên và sau khi nghiên cứu thị trường, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald lừng danh thế giới buộc Coca-Cola cho phép họ bán thêm Inca Kola tại Peru để không thua sút Bembos. Đây là vố thứ hai buộc Coca-Cola xem xét lại chiến lược cạnh tranh với Inca Kola. Và anh chàng khổng lồ Coca-Cola phải tính đến nước mua lại Inca Kola.

Cuộc thương lượng bắt đầu từ năm 1997 khi Công ty Lindley tìm một đối tác mạnh. Hai năm sau, hai bên đạt được thỏa thuận. Coca-Cola bỏ ra 300 triệu USD mua lại 50% cổ phần của Inca Kola và 30% cổ phần của Công ty Lindley. Coca-Cola cũng nhượng quyền đóng chai các sản phẩm của Coca-Cola ở Peru. Ngoài ra, Coca-Cola còn cam kết đưa Inca Kola ra nước ngoài. Hiện tại, Ecuador và Mỹ là hai nước sản xuất Inca Kola tại các nhà máy Coca-Cola.

Hiện nay, ở Peru Inca Kola chiếm 31%, Coca-Cola 26% và Pepsi-Cola 8% (Theo Wikipedia).

Bí quyết cạnh tranh

Bí quyết thành công của Inca Kola là khơi gợi lòng yêu nước và giá cả hợp lý. Trong những năm Coca-Cola và ban nhạc The Beatles hoành hành ở Peru, Công ty Lindley đã tìm ra một khẩu hiệu nổi tiếng đến ngày nay: “Inca Kola, hương vị của Peru”.

Thành công của Inca Kola còn thể hiện ở chỗ khai thác triệt để sức mạnh của truyền hình với khẩu hiệu khơi gợi lòng tự hào dân tộc: Lomo Saltado, nhạc châu Phi - Peru, đó là Inca Kola. Còn Coca-Cola gắn liền với bắp rang và nhạc Rock’n’Roll. Coca-Cola nói về thế giới còn Inca Kola nói về tự hào dân tộc.

Kết hợp món ăn dân tộc với Inca Kola là một phương thức độc đáo của Công ty Lindley. Trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng ở Peru như truyền hình, phát thanh, nhật báo, tạp chí, poster quảng cáo, Inca Kola luôn luôn được quảng cáo đi đôi với một món ăn thuần túy dân tộc nào đó. Ví dụ như Inca Kola với món cebiche (cá hoặc hải sản xốt chanh), Inca Kola và Lomo Saltado (phi-lê bò nấu với cà chua, củ hành, ớt và rau mùi), Inca Kola và seco con frejoles (ra-gu đậu) v.v...

Cũng giống như công thức 7X tuyệt mật của Coca-Cola, Inca Kola cũng có “công thức vàng” bí mật mà Công ty Lindley gìn giữ như một báu vật. Có người bảo đó là cỏ đuôi ngựa vị chanh kích thích sự thèm ăn làm nên màu vàng đặc trưng của Inca Kola. Nhưng Hugo Fuentes, giám đốc sản xuất của Công ty Lindley, nói: “Đó có thể là bất cứ thứ gì”. Một kiểu đính chính thông minh.